Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các ngành nghề khác, bởi đòi hỏi nguồn vốn lớn, nguy cơ thị trường liên tục thay đổi. Có thể nói đây không là lối đi được trải hoa hồng, vì thực tế rất nhiều câu chuyện thành công đều đi từ thất bại. Mặc dù Đồng Nai là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp, song đến nay số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn khá khiêm tốn. Hỗ trợ, thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp cho nông dân là những hoạt động mà Đồng Nai sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới.
Cơ hội và thách thức
Theo những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, song ngành nông nghiệp vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư vì Việt Nam có lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; vị trí địa lý lại rất thuận lợi để kết nối với nhiều thị trường lớn. Thực phẩm là nhu cầu hằng ngày của con người và với yêu cầu ngày càng cao về vệ sinh an toàn thực phẩm là cơ hội lớn để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, ngày nay làm nông dân không chỉ cần sự chăm chỉ, cần cù mà cốt lõi để các dự án thành công vẫn là ở tư duy và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư bài bản khi xây dựng kế hoạch của một dự án khởi nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do, các sản phẩm nông nghiệp trong nước sẽ có rất nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng.
Tại diễn đàn “Nông dân Đồng Nai khởi nghiệp, lập nghiệp từ sản phẩm địa phương” do Sở Khoa học và Công nghệ phối với Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, các doanh nghiệp nông nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và cách thức vận hành dự án để nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh; đồng thời kiến nghị các sở, ngành có các cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời để nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản…
Xuất phát từ một nông dân sản xuất cây dược liệu, qua nghiên cứu, học hỏi và liên kết với các cơ quan nghiên cứu khoa học, anh Nguyễn Văn Khôn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển dược liệu ETZ (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) đã mạnh dạn mở rộng diện tích và đầu tư cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm cây dược liệu xáo tam phân. Đến nay, doanh nghiệp đã từng bước lớn mạnh, sản phẩm được khách hàng tin tưởng và đón nhận.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Nguyễn Văn Khôn cho hay, xáo tam phân là cây dược liệu quý với rất nhiều tác dụng. Hiện chưa nhiều doanh nghiệp và nông dân biết đến loại cây này. Ban đầu nông dân cũng chưa tin tưởng tham gia cùng, tuy nhiên với chiến lược phát triển đúng đắn, doanh nghiệp đã vượt qua được những thử thách. Để có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, hiện doanh nghiệp đã liên kết với nông dân mở rộng sản xuất và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường.
Bắt đầu hình thành từ năm 2020, đến nay sản phẩm nấm linh chi Minh Dũng (TP.Long Khánh) chuyên cung cấp nguyên liệu cho một số công ty dược phẩm, thực phẩm chức năng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cung cấp phôi giống cho các trang trại trồng nấm khác tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng…
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Linh Chi Minh Dũng chia sẻ: “Ban đầu khi mới khởi nghiệp doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, nhờ chủ động, linh hoạt trong sản xuất, nhất là công ty luôn chủ động áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như công nghệ phơi sấy hiện đại, hệ thống tưới nấm bằng quy trình tự động hóa, lập trình sẵn… nhằm hướng tới quy trình sản xuất khép kín, an toàn, nên sản phẩm của công ty đã nhận được sự tin tưởng từ khách hàng”.
Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón thuốc hóa học là xu hướng tất yếu. Tiềm năng để sản xuất phân hữu cơ của Đồng Nai là rất lớn từ hơn 2,4 triệu con heo và khoảng 5 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm. Hiện ngành nông nghiệp cũng đang hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao để thay thế cách thức sản xuất truyền thống.
Cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nhu cầu phát triển của toàn xã hội, trong đó có lực lượng hội viên nông dân. Với lợi thế trong phát triển nông nghiệp, để hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, lập nghiệp từ các sản phẩm địa phương, đến nay Đồng Nai đã ban hành nhiều chính cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của HĐND tỉnh quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND tỉnh ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt là Đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đối mới sáng tạo giai đoạn 2020-2025”.
Theo những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, động lực để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này chính là chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện không thiếu chính sách hỗ trợ, điều cần thiết hiện nay là cụ thể hóa và đưa những chính sách này đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, đến nay phần nhiều nông dân chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ này.
Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (huyện Trảng Bom) cho biết, thị trường sản phẩm bẹ chuối, sơ, sợi chuối rất có tiềm năng. Không chỉ các đối tác nước ngoài, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng liên hệ thu mua bẹ chuối sấy khô để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gia dụng thân thiện với môi trường. Do đó, ông đã đặt hàng thêm thiết bị máy móc, mở rộng quy mô nhà xưởng đẩy mạnh sản xuất bẹ chuối, sơ, sợi chuối. Lên kế hoạch mở thêm cơ sở làm bẹ chuối sấy khô ở miền Trung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
“Chúng tôi rất mong muốn nhà nước có cơ chế chính sách phù hợp để nông dân rộng đường vay vốn cũng như đầu tư máy móc cho chế biến, nâng cao giá trị nông sản”, ông Hùng chia sẻ.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian qua đã có rất nhiều đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đã được nghiệm thu và bàn giao cho ngành nông nghiệp và các địa phương để tổ chức ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Ông Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, trước yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, xu hướng khởi nghiệp, khát vọng lập nghiệp của nông dân đang ngày càng mạnh mẽ. Do vậy, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành tổ chức tư vấn, định hướng cho hội viên, nông dân, chủ trang trại lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất; đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng, tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường kết nối đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao.
Thanh Cảnh