Nằm trong danh sách sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tỉnh Đồng Nai, so với các sản phẩm có quá trình hình thành phát triển khá dài, đã khẳng định thương hiệu trên thị trường thì sản phẩm nước ép thanh long ruột đỏ lên men của Cơ sở Thanh Long AnNa chỉ mới tiếp cận thị trường trong tỉnh từ năm 2018 đến nay. Tuy nhiên, với chiến lược của mình, sản phẩm của cơ sở đang tiếp cận thị trường đồ uống một cách hiệu quả và dần khẳng định được thương hiệu.
Do quy trình liên kết sản xuất và sơ chế sản phẩm đạt chuẩn, tạo ra dòng sản phẩm nước ép thanh long ruột đỏ có chất lượng thơm ngon, tốt cho sức khoẻ người sử dụng nên sản phẩm này đã được công nhật đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Ở Đồng Nai, cây thanh long ruột đỏ hiện chỉ chiếm diện tích nhỏ so với những loại cây trồng chủ lực khác. Thanh long ruột đỏ có chất lượng và giá trị kinh tế cao hơn thanh long ruột trắng, nó có các vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khoẻ nhưng nhiều năm qua nông dân trồng thanh long trong tỉnh chủ yếu để xuất khẩu, những trái nhỏ, không xuất khẩu được thì nhà vườn thường bán giá rẻ ngoài thị trường. Từ thực tế này, năm 2018, gia đình ông Ngô Thanh Long quyết định liên kết, thu mua số lượng trái thanh long không xuất khẩu để sơ chế ra sản phẩm nước ép thanh long ruột đỏ, hình thành cơ sở thanh long An Na.
Ông Ngô Thanh Long, Chủ cơ sở thanh long An Na cho biết, cơ sở liên kết với bà con trong Tổ hợp tác thanh long sạch Hưng Lộc nên nguồn sản phẩm đảm bảo sạch, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để làm ra sản phẩm nước ép thanh long”.
Cuối năm 2018, cơ sở đăng ký thành công nhãn hiệu thanh long An Na độc quyền ở Đồng Nai. Năm 2019 cơ sở đăng ký sản phẩm nước ép thanh long ruột đỏ lên men tham gia OCOP và được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao.
“Tham gia OCOP, được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao sẽ tạo điều kiện và cơ hội để cơ sở phát triển lớn mạnh hơn, quảng bá sản phẩm trên cả nước. Đặc biệt, việc sản xuất nước ép từ trái thanh long ruột đỏ đã giải quyết được bài toán dội chợ khi sản phẩm thanh long vào vụ thu hoạch rộ”, ông Long chia sẻ.
Đang trong thời gian tiếp cận thị trường, sản phẩm nước ép thanh long ruột đỏ lên men của cơ sở AnNa được bán chủ yếu ở các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh. Dự kiến trong thời gian tới, cơ sở sẽ liên kết với bà con nông dân mở điểm du lịch sinh thái kết hợp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tham quan khu vực sơ chế, thưởng thức thanh long ruột đỏ tại vườn góp phần cùng huyện nhà xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển tiềm năng du lịch vườn, quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương.
Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện trong định hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ.
Tại Đồng Nai, chương trình OCOP bắt đầu khởi động vào đầu 2019 với mục tiêu đạt khoảng 12 sản phẩm OCOP. Kết quả, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Trong đợt đánh giá đợt 1 năm 2020, toàn tỉnh có thêm 29 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Điều này cho thấy chương trình OCOP đã thực sự khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp với kỳ vọng xây dựng được những thương hiệu lớn cho nông sản địa phương.
Lê Khôi