Những tỷ phú nông dân

 

Phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo hướng tập trung, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương của các nông hộ mà chúng tôi đề cập ở trên đã góp phần tích cực vào việc xây dựng thêm nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo trong việc áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân.

Khởi nghiệp chăn nuôi ở tuổi 25, với 2 con dê trong tay, anh Trịnh Sương ở xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ bằng sức trẻ và niềm đam mê với nghề, tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc giúp dê phát triển khoẻ mạnh, ít dịch bệnh, tránh được những rủi ro, thiệt hại trong quá trình chăn nuôi. Nhờ vậy, sau 10 năm, anh đã sở hữu trang trại rộng 5ha với 1.200 con dê. Tuy diện tích trang trại rộng nhưng anh Sương lại nuôi nhốt chứ không chăn thả như cách truyền thống. Một điểm đáng chú ý là trại được chia thành nhiều khu riêng biệt để nuôi dê đực, dê cái và dê mới sinh…Việc phân chia này nhằm mục đích chống trùng, cận huyết khi dê tự phối giống, cũng như tránh giẫm đạp chết dê con.

Ông Trịnh Sương – Nông dân xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ nói để nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao, điều cần nhất là nguồn giống, kiểm soát được dịch bệnh và chế độ ăn uống phải đầy đủ dinh dưỡng. 3 yếu tố đó cộng lại thì nuôi dê mới thành công được.

Anh Võ Duy Kháng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ cho biết, hiện trên địa bàn xã có nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả nhờ áp dụng KHKT, trong đó phải kể đến hộ anh Trịnh Sương. Với ý chí và nghị lực tuổi trẻ, anh tìm tòi, học hỏi và vận dụng vào sản xuất, hiện tổng hơn 1 ngàn con mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

Nhờ làm tốt khâu thiết kế chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng, nhất là tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo đúng lịch trình phòng bệnh nên đàn dê của anh khỏe mạnh, lớn nhanh. Và sau 8 tháng chăm sóc có thể xuất chuồng. Khi đó, dê đực đạt trọng lượng 48-50kg và dê cái khoảng 35 kg. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thịt dê tăng cao và ổn định,với giá bán 120 ngàn/kg, sau khi trừ chi phí, anh Trịnh Sương thu lợi khoảng 1 triệu đồng/con.

Ông Nguyễn Trường Đại, nông dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch là hộ đi tiên phong trong việc chuyển đổi từ hình thức nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm theo công nghệ cao, mang lại hiệu quả lớn, thu lãi tiền tỷ mỗi năm.

Đến ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, hỏi về ông Nguyễn Trường Đại, hầu như người dân địa phương ai cũng biết, bởi ông chính là người đi tiên phong trong việc nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, thay thế cho hình thức nuôi tôm truyền thống vốn có năng suất thấp, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh. Trước đây, khi nuôi theo mô hình truyền thống bằng ao đất toàn bộ diện tích 4ha mặt nước của gia đình đều được sử dụng làm ao nuôi. Tuy nhiên, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông Đại quyết định chỉ sử dụng một diện tích nhỏ làm ao nuôi và ao ương để nuôi tôm hậu bị. Phần lớn diện tích ông ưu tiên khu xử lý nước đầu vào và chất thải ra hàng ngày từ ao nuôi.

Theo ông Nguyễn Trường Đại – xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông có thể tăng lên 3-4 vụ/năm chứ không chỉ làm được 2 vụ như trước. Mặt khác, việc lót bạt ở đáy ao có thể cho phép thả tôm với mật độ đến 200 con/m2, gấp 4 lần so với ao cũ nên năng suất tôm thu hoạch cũng tăng gấp nhiều lần.

Điểm mới hơn trong ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm, thay vì sử dụng thuốc kháng sinh để phòng trừ dịch bệnh cho tôm, người nuôi được khuyến cáo sử dụng men vi sinh để phòng trừ dịch bệnh. Nhờ chuyển sang áp dụng cách phòng bệnh như vậy, nên tôm nhanh lớn, khoẻ mạnh, đặc biệt là dư lượng kháng sinh không có nên được thị trường ưa chuộng. Hiện tại, ông Nguyễn Trường Đại đã kí được hợp đồng liên kết nuôi và tiêu thụ tôm thẻ chân trắng với công ty cổ phần CP Việt Nam, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng trong tương lai.

H.P