MÔ HÌNH KHỞI NGHIỆP PHÁT TRIỂN KINH TẾ CHO CÁC HỘ DÂN TRONG VÙNG DỰ ÁN SÂN BAY QUỐC TẾ LONG THÀNH

Trồng nấm rơm sạch là mô hình phát triển kinh tế để giải quyết việc làm cho một số hộ dân trong vùng dự án Sân bay quốc tế Long Thành và là một trong 12 sản phẩm được chọn phát triển theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Chị Nguyễn Thị Liên, Giám đốc HTX nông nghiệp xanh ở xã Lộc An, huyện Long Thành đã biến ý tưởng khởi nghiệp của mình thành hiện thực khi mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau 2 năm thực hiện thí điểm, chị nhận thấy mô hình làm nấm rơm dễ làm, phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu của địa phương, nhất là phù hợp với nhu cầu của thị trường nên đã quyết định đầu tư mở rộng quy mô lên khoảng 80 trại nấm, với diện tích từ 20 – 40m3/trại. Đặc biệt, mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính cho năng suất cao, nấm sạch và ít bị sâu bệnh.

Chị Liên chia sẻ về con đường khởi nghiệp đầy gian nan: Những ngày đầu khi mới tập tành trồng nấm, chị đã phải tới nhiều trại nấm rơm ở các tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, mô hình, sau rất nhiều lần thử nghiệm, chị đã tìm được công thức chuẩn để trồng nấm phù hợp với điều kiện tự nhiên tại huyện Long Thành. Cuối năm 2016, Tổ hợp tác trồng nấm xã Suối Trầu được thành lập. Tuy nhiên, lúc này do khó khăn về nguồn vốn nên các nhà trồng nấm chỉ được làm từ khung tre và bạt che thay vì nhà kính để sản xuất theo quy mô lớn và sạch. Do đó, năm 2017 chị Liên kêu gọi đầu tư để có nguồn vốn xây dựng các trại trồng nấm đạt chuẩn, nhưng việc gọi vốn gặp trở ngại, nhưng bằng đam mê và sự nỗ lực chị tiếp tục vượt qua khó khăn này. Tháng 10-2018, HTX nông nghiệp Xanh do chị Liên làm giám đốc đã được thành lập với ngành nghề chính là trồng nấm.

Trong hình ảnh có thể có: món ănTrong hình ảnh có thể có: thiên nhiên và ngoài trời

Sản phẩm Nấm rơm tại HTX nông nghiệp xanh (nguồn: FBHTXnongnghiepxanh)

Với quyết tâm làm nấm một cách bài bản, 38 nhà kính trồng nấm (mỗi nhà 72 m2) được đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo việc sản xuất sẽ dễ thực hiện theo quy trình sạch và ổn định hơn so với trồng nấm ngoài trời. Hiện nay, với 38 nhà kính, sản lượng cung cấp ra thị trường trên địa bàn tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày là 400kg, HTX nông nghiệp Xanh sản xuất gối đầu để đảm bảo có sản phẩm ổn định cung cấp cho thị trường. Năm 2018, Nấm rơm của Hợp tác xã Nông Nghiệp Xanh đã được cấp giấy sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc chuỗi liên kết của tỉnh Đồng Nai chứng nhận.
Chị Liên cho hay,  thời gian tới, mục tiêu của HTX là tiếp tục mở rộng diện tích trồng nấm, tạo thêm công ăn việc làm về nghề trồng nấm cho các hộ dân trong vùng dự án Sân bay quốc tế Long Thành, sẽ được HTX ưu tiên đào tạo nghề và tạo việc làm. Có thể thấy với đam mê và quyết tâm của một người phụ nữ, chị Liên đã khởi nghiệp và xây dựng thành công mô hình trồng nấm rơm sạch tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương và làm giàu cho bản thân.

Nguyễn Quốc Cường.