MÔ HÌNH KHỞI NGHIỆP CỦA THANH NIÊN XÃ BÌNH SƠN, HUYỆN LONG THÀNH

Một mô hình khởi nghiệp dành cho thanh niên nông thôn phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế địa phương, đó là tổ hợp tác chăn nuôi gà xã Bình Sơn, huyện Long Thành.

Trước thực trạng người dân tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành có xu hướng mở rộng quy mô chăn nuôi gà, tổ hợp tác chăn nuôi gà xã Bình Sơn ra đời. Anh Lê Phi Long, Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: người dân trên địa bàn xã Bình Sơn đã tận dụng điều kiện thổ nhưỡng và sân vườn rộng rãi để nuôi gà, người dân chăn nuôi nhỏ lẻ là chính; anh Long mong muốn tập hợp đàn gà, nuôi ở quy mô lớn và tạo thương hiệu riêng; đồng thời bản thân anh Long là một cán bộ thú y của xã, nên nắm bắt các kiến thức, thông tin phòng trừ dịch bệnh hiệu quả, từ đó anh cùng với các đoàn viên thanh niên trong xã với nguồn vốn hỗ trợ từ quỹ đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp đã đầu tư chuồng trại, phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi gà. Tổ hợp tác ra đời với mục tiêu liên kết các thành viên, nhất là thanh niên nông thôn phát triển mô hình chăn nuôi gà tại địa phương. Hiện tổ hợp tác đã có 15 thành viên với đàn gà quy mô từ 80.000 – 100.000 con. Bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho các thành viên.

Anh Long chia sẻ về một số khó khăn về đầu ra, chủ yếu xuất gà sống, nên phụ thuộc nhiều vào thương lái, không chủ động được đầu ra và thường xuyên bị ép giá. Với mật độ nuôi dày, dễ phát sinh dịch bệnh cùng với việc chưa có sự liên kết bao tiêu sản phẩm từ doanh nghiệp khiến sản phẩm của tổ hợp tác vẫn gặp phải nguy cơ “dội chợ”… Mong muốn của tổ hợp tác, là sản phẩm đầu ra được tham gia vào dây chuyền giết mổ, được tham gia vào các chuỗi liên kết, nhằm ổn định đầu ra.

Tại diễn đàn “Giải pháp hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp”, anh Long đã chia sẻ một số khó khăn của thanh niên trong quá trình lập nghiệp như thiếu kiến thức về khởi nghiệp, quản trị, phát triển mô hình, tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản, cách tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương, thủ tục chuyển đổi từ tổ hợp tác lên hợp tác xã…Ða phần các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp do thanh niên nông thôn làm chủ vẫn nhỏ lẻ, bấp bênh, thiếu tính liên kết và ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại. Với những khó khăn mà các mô hình kinh tế nông nghiệp phải đối mặt, trong đó có thực trạng “được mùa mất giá”.

Trong hình ảnh có thể có: 12 người, mọi người đang cười, trong nhà

Anh Lê Phi Long chia sẻ một số khó khăn trong quá trình khởi nghiệp của tổ hợp tác tại

Ngày hội thanh niên khởi nghiệp 2019

Hành trình lập thân lập nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với thanh niên. Ðiều này lại càng khó hơn với thanh niên nông thôn bởi ngoài nông nghiệp, thanh niên nông thôn khó tiếp cận được mô hình khởi nghiệp nào khả thi hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhờ phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương và có những hướng đi phù hợp, nhiều thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thành công với các mô hình kinh tế tại địa phương.

Nguyễn Thị Hạnh.