Huyện Thống Nhất là địa phương có diện tích cây ăn trái khá lớn với nhiều chủng loại đa dạng. Nhận thấy nhu cầu đối với hoạt động du lịch sinh thái vườn trong những năm gần đây rất lớn, nhất là vào các tháng hè, nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện đã phát triển vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái mang lại hiệu quả cao. Đây cũng là hướng đi khởi nghiệp của một số nhà vườn đang lựa chọn.
Những ngày này, gia đình anh Nguyễn Văn Thành, ở ấp 3, xã Lộ 25 đang tích cực chăm sóc, cũng như vệ sinh sạch sẽ vườn cây ăn trái rộng hơn 1,4 ha của gia đình với nhiều loại như chôm chôm thái, sầu riêng, mít, thơm, bơ để chuẩn bị đón các đoàn du khách từ khắp nơi đến trải nghiệm và thưởng thức. Anh Thành cho biết, trước đây vườn cây ăn trái của gia đình khi đến kỳ thu hoạch chủ yếu bán sản phẩm qua thương lái, hiệu quả kinh tế thấp. Đặc biệt, sản phẩm từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng phải qua rất nhiều khâu trung gian, nên bị đội giá lên cao, sau khi tìm hiểu về loại hình du lịch sinh thái vườn, anh Thành đã cải tạo khu vườn của gia đình, tích cực quảng bá đến khách hàng trên các trang mạng xã hội và được du khách hưởng ứng. Chính vì vậy thu nhập từ vườn trái cây của gia đình cũng tăng cao hơn trước đây.
“Hiện tại, nhu cầu của người dân tham quan du lịch sinh thái rất nhiều, nhất là dịp nghỉ hè, các gia đình trên thành phố thường có xu thế cho các em khám phá, tìm hiểu du lịch sinh thái để trải nghiệm, nâng cao kiến thức tự nhiên xã hội”, anh Thành cho hay.
Đối với gia đình anh Trần Văn Cự, ngụ ấp 4, xã Lộ 25 ngoài phát triển du lịch sinh thái vườn cây ăn trái anh còn tận dụng diện tích mặt đất dưới các tán cây để nuôi ong lấy mật bán cho du khách mỗi khi tới vườn tham quan. Để thuận tiện cho du khách bảo quản sản phẩm, anh đã áp dụng quy trình sản xuất mật ong bằng cách cho đàn ong xây tổ vào các hộp nhựa đã định hình sẵn, khi nào đàn ong xây bánh mật kín trong các hộp nhựa là anh có thể lấy ra bán trực tiếp cho du khách.
“Để sản xuất ra một lít mật truyền thống thì chi phí cũng tốn tầm 50 đến 70 ngàn đồng một lít. Từ khi chuyển đổi qua mô hình bán hộp cho khách, mỗi hộp tầm 500g đã bán được 90 ngàn đồng, nhờ đó cho thu nhập cũng cao hơn”, ông Cự chia sẻ.
Mặc dù bước đầu có tín hiệu tốt, tiềm năng lớn, tuy nhiên tại huyện Thống Nhất, các mô hình du lịch cộng đồng còn đang ở giai đoạn kêu gọi đầu tư, còn mang tính tự phát nên các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp vẫn còn hạn chế; chưa thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm thực tế và mua sắm của khách du lịch; sự kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành chưa nhiều… Trong đó, nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng tiếp cận các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện; cơ sở vật chất tại điểm du lịch chưa đảm bảo chất lượng để phục vụ khách du lịch do hạn chế về nguồn vốn đầu tư, trình độ quản lý; sản phẩm còn đơn điệu…
Theo bà Phạm Nguyễn Thị Hoàng, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thống Nhất, để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình OCOP có hiệu quả, trong thời gian tới Phòng Văn hóa – Thông tin huyện sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nông dân về những lợi ích thiết thực từ việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch có quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp thế mạnh để thu hút đầu tư. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ khu vực nông thôn có ưu thế để phát triển du lịch, trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan sạch đẹp, môi trường trong lành; giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Mặt khác, cần tăng cường xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn khi vào mùa quả chín.
Minh Khôi – Bá Trực