Lão nông tái khởi nghiệp làm giàu từ dừa xiêm dây

Ông Lê Văn Thấu (ấp 2, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) là một trong những nông dân của huyện Vĩnh Cửu tiên phong trong việc trồng dừa xiêm dây.

Biệt danh Thấu “phá” được bà con quanh vùng dành cho ông, bởi ông đã rất nhiều lần trồng, thử nghiệm rồi phá bỏ nhiều loại cây khác nhau trên mảnh đất 0,7 héc ta này. Mãi tới 2012, ở tuổi ngoài lục tuần, ông bén duyên với cây dừa xiêm dây, tái khởi nghiệp và làm giàu.

Trước đây ông Thấu trồng rất nhiều loại cây từ cây hàng năm đến cây lâu năm, loại cây nào ông trồng cũng đạt hiệu quả cao và được thị trường ưa chuộng bởi hầu hết các loại cây ông trồng đều là tiên phong ở địa phương. Các loại cây trồng được chuyển đổi khi ông tìm được giống mới hiệu quả cao hơn, đầu ra ổn định hơn. Trong quá trình canh tác, ông Thấu mạnh dạn chuyển sang trồng dừa xiêm dây. Ban đầu ông Thấu thử nghiệm với nhiều giống dừa khác nhau, thử nghiệm khoảng cách trồng và kỹ thuật chăm sóc, qua nhiều lần thử nghiệm như vậy ông rút ra kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc dừa xiêm dây cho trái nhiều, năng suất và chất lượng.

Ông Thấu cho biết, trồng dừa xiêm dây không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc, chủ yếu là bón phân và chăm sóc trái, rửa buồng để tránh đuông, chuột, kiến vương làm rụng trái non. Qua hai năm chăm sóccây dừa xiêm dây bắt đầu cho trái. Đến năm thứ tư trở đi, cây dừa cho trái ổn định và rất sai. Trung bình một buồng dừa cho từ 25-30 trái. Những buồng sai trái có khi lên đến 45 trái. Theo ước tính, mỗi năm, một cây dừa cho thu hoạch khoảng 300 trái. Mỗi tháng ông thu hoạch khoảng 3.500-4.000 trái. Giá dừa xiêm dây hiện nay khoảng 9.000 đồng/trái được thương lái đến tận vườn để thu mua. Ông Thấu cho biết, một năm, mỗi cây dừa cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, công chăm sóc không nhiều bằng các loại cây ăn trái khác. Qua nhiều năm so sánh giữa cây dừa xiêm dây và vườn cây ăn trái ông Thấu khẳng định trồng dừa xiêm dây đạt hiệu quả kinh tế hơn.

Ông Thấu cũng áp dụng khoa học tiến bộ vào khâu chăm sóc như sử dụng hệ thống nước tưới đóng mở van tự động. Ông tưới trực tiếp bằng vòi phun lớn để các ấu trùng bám ở thân cây, trái bay đi hoặc suy yếu dần và chết chứ không sử dụng thuốc phun. Hệ thống ống nước gắn bộ đều khiển chỉ hơn 4 triệu động đã giúp ông tiết kiệm được nhân công, chi phí. Hàng ngày, ông tiến hành dọn thân, cắt hết mo nang để hạn chế sâu, đuông bọ làm tổ gây rụng trái.

Ông Thấu giới thiệu thiết bị tưới giúp ngăn ngừa sâu bệnh cho cây dừa

Mô hình trồng dừa xiêm dây của ông Lê Văn Thấu là mô hình tiên phong ở địa phương. Đây cũng là mô hình được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Với hướng đi mới, tiên phong mạnh dạn chuyển đổi vườn cây ăn quả sang trồng dừa uống nước, ông Thấu đã thành công. Hiện nay, trung bình mỗi tuần vườn dừa xiêm dây của ông xuất ra thị trường khoảng 1.000 trái, bình quân mỗi năm ông Thấu thu nhập được từ 500 đến 600 triệu đồng, nguồn cung không đủ cầu, khách hàng tìm đến tận vườn để mua.

Luôn không ngừng cải tiến, sáng tạo và tìm ra lối đi mới, cách làm mới; chọn cây trồng phù hợp và thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên tại địa phương – luôn là định hướng khởi nghiệp phù hợp cho vùng nông thôn.

N.T.H