KHỞI NGHIỆP VỚI THANH LONG RUỘT ĐỎ

Chọn thanh long ruột đỏ là cây trồng để khởi nghiệp phát triển kinh tế, ông Thái Văn Nam (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) vươn lên làm giàu chính trên mảnh đất quê hương mình. Là điển hình về phát triển kinh tế từ nông nghiệp nông thôn.

Năm 1999, khi vừa tròn 30 tuổi, ông Thái Văn Nam dắt díu cả gia đình gồm 4 người rời quê từ huyện Hương Khê, Hà Tĩnh vào Nam lập nghiệp. Xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc là nơi gia đình ông Nam chọn làm quê hương thứ 2 để hiện thực hóa giấc mơ làm giàu. Khi đến Xuân Hưng, bằng số vốn “lận lưng” mang theo khi rời quê, ông Nam mua được 5 sào đất làm chốn an cư và cũng là nơi kiếm kế sinh nhai. Thế nhưng, Xuân Hưng vốn là vùng đất khô cằn, bạc màu, ở đây chỉ có cây điều, loại cây vốn có tính “chịu đựng” với những vùng đất “nghèo”. Do đó, cũng như nhiều người dân khác trong vùng, gia đình ông Nam cũng chọn cây điều để lập nghiệp. Thời gian đầu, cuộc sống của 4 thành viên gia đình ông Nam, trong đó có 2 người con đang tuổi ăn học dựa cả vào 5 sào điều. Cũng bởi vậy, cái nghèo, cái khó đeo bám lấy gia đình ông gắn với những đợt “nóng lạnh” bất thường của giá hạt điều. Là người không cam chịu, ông Nam luôn tìm thêm kế sinh nhai cho gia đình.

Từ những năm 2010, nhiều người dân tại Xuân Hưng bắt đầu chặt bỏ điều để chuyển sang trồng thanh long. Cây thanh long đã giúp nhiều người dân nơi đây “đoạn tuyệt” được với cái đói, cái nghèo vốn đeo bám lâu năm. Nhìn thấy nhiều hàng xóm giàu lên từ cây thanh long, ông Nam cũng nhen nhóm ý định trồng loại cây này. Qua tìm hiểu ông được biết ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom lúc đó người dân ở đây trồng được loại thanh long ruột đỏ có mẫu mã đẹp, chất lượng ngon hơn nên giá bán cũng cao hơn thanh long ruột trắng. Vậy là ông quyết định trồng thanh long ruột đỏ. Quyết là làm, ông Nam dành thời gian lên xã Sông Trầu tìm hiểu và học cách trồng thanh long ruột đỏ. Sau vài tháng học nghề, cuối năm 2010, ông Nam quay trở về quê với “một mớ” cây giống thanh long ruột đỏ. Chặt bỏ toàn bộ 5 sào điều, ông Nam bắt đầu “khởi nghiệp” thực hiện tham vọng thoát nghèo với 500 trụ thanh long ruột đỏ.
01115.00_15_38_10.Still045.jpg
Vườn thanh long ruột đỏ
Năm 2013, 500 trụ thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nam bắt đầu cho thu hoạch. Như thừa nhận của ông Nam, “may mắn” đã đồng hành cùng ông khi “kết duyên” với loại cây này. Bởi ngay từ vụ đầu tiên gia đình ông Nam có thu hoạch cũng là lúc giá thanh long ruột đỏ tăng cao. Có được khởi đầu thuận lợi càng khiến cho ông Nam thêm quyết tâm đầu tư mạnh vào cây thanh long ruột đỏ. Quyết tâm đó càng được tiếp sức khi những năm tiếp theo, giá thanh long ruột đỏ vẫn duy trì ở mức cao. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình ông Nam có thêm nguồn thu nhập cao từ loại cây này. Có vốn, ông Nam tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích vườn thanh long. Từ 5 sào ban đầu hiện đã lên đến 10 ha trồng thanh long ruột đỏ. Theo ông Nam, thanh long ruột đỏ không quá khó trong chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế lại cao vì cho thu hoạch quanh năm.
Cũng theo ông Nam, vài năm trở lại đây, giá thanh long ruột đỏ giảm dần vì có nhiều người trồng hơn. Tuy nhiên theo ông, nếu so với nhiều loại cây khác, với nguồn thu xấp xỉ 1 tỷ đồng/ha/năm, thanh long ruột đỏ vẫn là loại cây đem lại thu nhập rất cao cho nông dân.
Hiện nay, với 10 ha thanh long ruột đỏ, ông Thái Văn Nam còn giúp giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho 10 lao động tại địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Với cách làm táo bạo, sáng tạo khi khởi nghiệp: chọn cây thanh long ruột đỏ, thay vì trồng thanh long ruột trắng như người dân địa phương đang làm, ông Nam đã tạo ra một ngách trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Phan Ngọc Xuân Duy.