Khởi nghiệp từ nghề làm bịch nấm cung cấp cho thị trường

 Với quỹ đất rộng cùng nguồn lao động dồi dào tại địa phương, anh Trình Văn Long, ngụ ấp Tân Hạnh, xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) đã tổ chức thành lập cơ sở sản xuất bịch nấm bào ngư để cung cấp cho nhu cầu của thị trường, vừa góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương vừa mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.

Anh Trình Văn Long kiểm tra các thiên nấm để chuẩn bị xuất bán.

“Tôi gắn bó với nghề làm bịch nấm cũng được gần 10 năm nay rồi và trung bình mỗi ngày cơ sở của tôi sản xuất trên 7 ngàn bịch nấm bào ngư cung cấp cho thị trường. Trong đó, thị trường chủ yếu của cơ sở là các tỉnh miền Tây. Ngoài ra, một số địa phương lân cận cũng tìm đến mua, nhưng số lượng không nhiều” – anh Long mở đầu câu chuyện khi chia sẻ về cơ sở sản xuất nấm quy mô của mình.

Theo anh Long, khu vực miền Đồng, nhất là các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Đồng Nai trồng khá nhiều cây cao su và đi kèm với đó là các cơ sở chế biến gỗ. Đây chính là nguồn nguyên liệu mùn cưa dồi dào để cung cấp cho các cơ sở sản xuất bịch nấm phát triển. Tùy từng thời điểm, giá mua các loại mùn cưa cũng khác nha, có thời điểm giá mùn cưa lên cao đến mức mười mấy triệu đồng/xe, khi đó chi phí cho sản xuất cũng bị đội giá lên theo. Thời điểm hiện tại, trung bình giá mỗi xe mùn cưa chỉ khoảng 8-9 triệu đồng/xe.

Trước đây, khi mới vào nghề, cơ sở sản xuất bịch nấm của anh cũng gặp không ít khó khăn do đầu ra thiếu ổn định. “Khi đó cơ sở của tôi chỉ chuyên sản xuất bịch nấm mèo. Tuy nhiên, nấm mèo chỉ có thể làm được vài tháng trong một năm, nên không thể giữ chân được người lao động và hiệu quả kinh tế cũng không cao. Nay mình quyết định chuyển qua sản xuất bịch nấm bào cư vừa có thể làm quanh năm, lại mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động” – anh Long chia sẻ.

Với giá bán khoảng 2,8 ngàn đồng/bịch và trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng trên 7 ngàn bịch, tính ra mỗi ngày cơ sở nấm của anh cũng thu về gần 20 triệu đồng (chưa trừ chi phí).

Không chỉ tạo việc làm, phát triển kinh tế cho các thành viên trong gia đình, cơ sở sản xuất bịch nấm của anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiện tại, cơ sở của anh luôn duy trì khoảng 10 lao động làm việc thường xuyên, chủ yếu là người dân địa phương với mức thu nhập trung bình khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng. Với người dân địa phương còn nhiều khó khăn như ở đây, nguồn thu nhập ổn định này là điều rất phấn khởi và mơ ước.

Hiện cơ sở của anh đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Chị Hoa, một trong những người đang làm công cho cơ sở chia sẻ: “Nhờ cơ sở nấm có việc làm thường xuyên nên chúng tôi cũng có nguồn thu nhập đáng kể cho kinh tế gia đình, lại có tiền để lo cho con cái học hành”.

Tuy nhiên, theo anh Long, nghề làm bịch nấm nhiều khi cũng có thể gặp rủi ro và có thể mất trắng cả đợt nấm do ảnh hưởng của thời tiết. Bịch nấm muốn phát triển tốt thì thời tiết không được nóng quá, cũng không được lạnh quá.

Để nấm bào ngư phát triển tốt thì ngoài yếu tố dinh dưỡng từ các chất có trong nguyên liệu trồng nấm thì sự tăng trưởng và phát triển của nấm có liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như: nhiệt độ, ẩm độ, pH, ánh sáng, oxy …Nấm bào ngư mọc nhiều ở nhiệt độ tương đối rộng. Ở giai đoạn ủ tơ, một số loài cần nhiệt độ từ 20 –300C, một số loài khác cần từ 27 – 320C, thậm chí 350C như loài P.tuber-regium. Với độ ẩm rất quan trọng đối với sự phát triển tơ và quả thể của nấm. Trong giai đoạn tăng trưởng tơ, độ ẩm nguyên liệu yêu cầu tử 50 – 60%, còn độ ẩm không khí không được nhỏ hơn 70%. Ở giai đoạn tưới đoán nấm ra quả thể, độ ẩm không khí tốt nhất là 70 – 95%. Ở độ ẩm không khí 50%, nấm ngừng phát triển và chết, nếu nấm ở dạng phễu lệch và dạng lá thì sẽ bị khô mặt và cháy vàng bìa mũ nấm. Nhưng nếu độ ẩm cao trên 95%, tai nấm dễ bị nhũn và rũ xuống. Nấm bào ngư có khả năng chịu đựng sự giao động pH tương đối tốt. Tuy nhiên pH thích hợp đối với hầu hết các loài nấm bào ngư trong khoảng 5 – 7. Nấm cần có oxy để phát triển vì vậy nhà trồng cần có độ thông thoáng vừa phải, nhưng phải tránh gió lùa trực tiếp. Nguyên liệu trồng nấm bào ngư: Nấm bào ngư có thể trồng trên nhiều loại nguyên liệu như: gỗ khúc, mạc cưa, rơm rạ, bả mía, võ cây đậu, cùi bắp,….

“Nhìn chung với khí hậu miền Nam nấm bào ngư có thể trồng quanh năm, nhất là đối với nhóm ưa nhiệt và một số giống mới thích hợp gần đây”, anh Long cho biết thêm.

Anh Long cho hay, thời gian tới tôi dự kiến sẽ mở rộng thêm cơ sở sản xuất để cung ứng cho nhu cầu của thị trường, đồng thời tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương.

T.Cảnh