Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thứ – Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm GC (huyện Trảng Bom) – một trong những doanh nghiệp (DN) tiếng tăm của Việt Nam trong xuất khẩu nha đam, thạch dừa sang Nhật Bản, Hàn Quốc…
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành kinh tế rồi đi làm, ông Thứ nhận thấy nông dân trong tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa rớt giá, mất mùa được giá”, thu nhập bấp bênh, ông đã nảy ra ý muốn sẽ thành lập một công ty chế biến nông sản, vì đây là ngành còn rất nhiều cơ hội để phát triển. Nghĩ là làm, sau một thời gian tìm hiểu ông Thứ thấy cây nha đam và dừa là 2 loại nguyên liệu có rất nhiều, giá rẻ, tốt cho sức khỏe mọi người nên đã chọn để đầu tư nghiên cứu, sản xuất.
Những ngày đầu sản phẩm mới đưa ra thị trường gặp rất nhiều khó khăn do công ty chưa có tên tuổi và thương hiệu nên khách hàng còn dè dặt. Nhưng sau nhiều lần kiên trì tham gia các hội chợ, các chương trình giới thiệu hàng Việt, sản phẩm của công ty dần được người tiêu dùng trong nước đón nhận. Đến nay, sản phẩm nha đam, thạch dừa của GC đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Công ty cũng tự hào trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong chế biến nha đam và thạch dừa. Công ty cổ phần thực phẩm GC được Bộ Công thương cấp chứng nhận nằm trong tốp 100 thương hiệu uy tín của Việt Nam. Năm 2015, công ty còn được tặng danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Công ty cung cấp cho thị trường khoảng 10 ngàn tấn nha đam, thạch dừa/năm. Ngoài nha đam và thạch dừa, công ty còn sản xuất trà sữa, cà phê viên.
Ông Thứ cho hay: Ngay từ khi mới thành lập công ty, vấn đề tôi coi trọng nhất là chất lượng sản phẩm. Là một DN nhỏ nên trong quá trình làm, tôi học hỏi thêm từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Tôi mời họ đến công ty tìm hiểu và góp ý cho mình để từng bước hoàn thiện dần từ công nghệ, dây chuyền sản xuất đến sản phẩm. Do đó, sản phẩm đưa ra thị trường sau một thời gian đã được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, các tập đoàn, DN lớn như: Vinamilk, Coca-Cola… cũng đến đặt hàng và tôi trở thành một trong những nhà cung cấp nguyên liệu nha đam, thạch dừa lớn cho các doanh nghiệp.
Chế biến Nha đam tại công ty cổ phần thực phẩm GC
Hiện nay, công ty GC đã xây dựng được vùng nguyên liệu nha đam khoảng 150 hécta. Vì sản phẩm xuất khẩu vào những thị trường khó tính đòi hỏi rất nghiêm ngặt về chất lượng từ khâu giống, chăm sóc, thu hoạch và chế biến nên ngay từ đầu phải xây dựng một quy trình trồng nha đam sạch. Nơi phù hợp để phát triển vùng nguyên liệu sạch này là Ninh Thuận. Để nông dân tin tưởng đầu tư trồng thâm canh một loại cây trồng với diện tích lớn quả là điều không dễ. Những ngày đầu, nhân viên kỹ thuật của công ty phải xuống từng hộ dân hướng dẫn tỉ mỉ phương pháp trồng, chăm sóc và giám sát kỹ để đảm bảo nguyên liệu sạch. Nông dân ký kết cung cấp nguyên liệu cho GC thấy thu nhập từ trồng nha đam ổn định 30-40 triệu đồng/sào/năm (1 ngàn m2), cao hơn nhiều cây trồng khác nên đã yên tâm đầu tư chăm sóc tăng năng suất, chất lượng. Vùng nguyên liệu của công ty cũng nhờ đó mà dần được mở rộng và rất ổn định.
Từ 2 dòng nguyên liệu chính là nha đam và thạch dừa, ông Thứ đã nghiên cứu ra khoảng 50 loại sản phẩm khác nhau, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, từ nguyên liệu đến thu hoạch, sản xuất đều đảm bảo sạch. Khách hàng nội địa, nước ngoài có thể đến tham quan, kiểm tra bất kỳ công đoạn nào trong chuỗi sản xuất. Qua quá trình giám sát các đơn hàng, công ty luôn đảm bảo chất lượng hàng hóa nên khách hàng rất tin tưởng. Thương hiệu của công ty từ đó được nâng dần lên. Sản phẩm vào được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ nên cũng dễ dàng xuất sang thị trường châu Âu và các nước khác. Hiện công ty đã xuất khẩu hàng sang được gần 10 quốc gia trên thế giới.
Rủi ro từ đầu tư vào nông nghiệp thường cao hơn nhiều so với những ngành khác nên đây cũng có thể là lý do khiến nhiều doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.Theo ông Thứ nếu muốn khởi nghiệp thành công trên lĩnh vực nông nghiệp ngay từ đầu phải nghiên cứu kỹ thị trường xem sản phẩm nào mình đưa ra có khả năng cạnh tranh được. Đồng thời nên chọn ra một vài loại nông sản chủ lực để tập trung đầu tư, nghiên cứu, chế biến đưa ra thị trường những sản phẩm đa dạng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Phan Ngọc Xuân Duy.