Sau 12 năm thành lập, đến nay HTX Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Hoàng Tuyến (xã An Hòa, TP. Biên Hòa) đã vươn lên trở thành doanh nghiệp có quy mô lớn về sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Thành công ấy có “dấu ấn” không nhỏ của ông Phạm Anh Hoàng, Giám đốc HTX.
Sau nhiều năm lăn lội trên thị trường, giữa năm 2008, HTX Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Hoàng Tuyến có trụ sở nằm trên tuyến QL 51, xã An Hòa, TP. Biên Hòa chính thức thành lập. Đến nay, các sản phẩm của HTX Hoàng Tuyến đã có chỗ đứng khá trên thị trường. Mặc dầu vậy, ông Hoàng vẫn còn quá nhiều trăn trở để các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ như HTX Hoàng Tuyến phát triển trong bối cảnh hợp tác, cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp cùng ngành nghề của nước ngoài.
Cột mốc quan trọng để ông có ý tưởng xây dựng cơ sở sản xuất cho riêng mình là vào năm 2005 khi ông được nhận vào làm việc tại một công ty chuyên sản xuất các loại máy, quạt thông gió, hút bụi của Đài Loan. Lúc đó, doanh nghiệp này nhận tuyển dụng một đội người Việt Nam, ông Hoàng vốn có kiến thức về cơ khí từ trước nên được giao làm đội trưởng đội thi công này. Với vài trò của mình, ông nhanh chóng nắm vững các kỹ thuật sản xuất. Bên cạnh đó, nhờ thường xuyên đi tìm hiểu thị trường và thi công nhiều nơi cũng giúp ông quen biết, tiếp cận khách hàng được rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, càng cống hiến nhiều, ông Hoàng càng cảm thấy bản thân không phù hợp với môi trường làm việc của công ty. Nguyên do là giới chủ đặt ra những quy định quá hà khắc trong khi chế độ đãi ngộ không cao. Đội thi công do ông làm đội trưởng luôn được yêu cầu thi công với các điều kiện khó khăn về thời gian, tiến độ…Từ đây, ý định tách ra để xây dựng xưởng sản xuất cho riêng mình dần hình thành. Và ý định này càng mạnh mẽ hơn khi thời điểm đó, sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài, ông Hoàng cũng đã dành dụm được số vốn kha khá để có thể tự khởi nghiệp.
Giải thích việc thành lập cơ sở sản xuất dưới hình thức HTX, ông Hoàng cho hay do được sự vận động của Liên minh HTX Đồng Nai. Bên cạnh đó, việc gia nhập Liên minh HTX là bước đệm ban đầu để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như mở rộng các mối quan hệ, tìm kiếm khách hàng.
Nhờ sự năng động của ông giám đốc cùng đội ngũ cộng sự, sản phẩm của HTX Hoàng Tuyến ngày càng đa dạng, từ quạt công nghiệp, máy hút bụi, hệ thống xử lý, hệ thống làm mát nhà xưởng đến các sản phẩm cơ khí như xe đẩy, băng chuyển tải nguyên, vật liệu…tại các công ty trong các khu công nghiệp.
Sản phẩm của HTX Hoàng Tuyến hiện đang cung cấp cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài như TAEKWANG VINA (KCN II Đồng Nai), Gỗ SHING MARK VINA, Gỗ SAN LIM Furniture (KCN Bàu Xéo), Công ty Gỗ HOME VOYAGE (KCN Tam Phước), Công ty Dệt WAIL VINA (KCN Nhơn Trạch), Công ty SONGWOL Vina (KCN Tân Đức, Long An),…
“Lựa chọn mô hình HTX để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và cũng được hỗ trợ để vay vốn ưu đãi đã giúp chúng tôi có điều kiện học hỏi, áp dụng những kiến thức công nghệ và khoa học từ các nước tiên tiến về ngành nghề xử lý khí thải. Để tạo chữ tín với khách hàng thì đầu tư cho chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu, trong đó, khâu bảo hành sản phẩm sau khi được lắp đặt rất quan trọng”, Giám đốc Phạm Anh Hoàng chia sẻ.
Dù đã có thành công nhất định nhưng theo ông Hoàng, sản phẩm hàng công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp Việt gặp rất nhiều khó khăn khi thâm nhập vào các doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên do là bởi các doanh nghiệp sản xuất từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…thường thiết lập các cơ sở cung cấp sản phẩm phụ trợ chung. Đơn cử như đối với quạt công nghiệp, hệ thống lọc bụi, khi có nhu cầu các sản phẩm này được họ vận chuyển từ trong nước sang hoặc doanh nghiệp cùng nước sẽ cung cấp cho nhau.
Cũng theo ông Hoàng, một khó khăn nữa của các cơ sở sản xuất hệ thống hút bụi, thông gió Việt Nam là quy mô nhỏ, lại chịu sự cạnh tranh gắt bởi doanh nghiệp cùng ngành nghề đến từ Trung Quốc. Những công ty này có quy mô lớn, quan hệ rộng, mật thiết với doanh nghiệp sản xuất nên có khả năng thâu tóm thị trường. Thị phần còn lại cho doanh nghiệp Việt rất nhỏ, nhiều doanh nghiệp buộc phải qua trung gian mới tiếp cận được khách hàng.
“Nhu cầu về hàng công nghiệp hỗ trợ rất nhiều song để bán hàng một cách thuận lợi là không dễ. Hoàng Tuyến cũng có hơn 10 năm phát triển song về quy mô còn nhỏ, khó cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nước ngoài dù sản phẩm của mình chất lượng có thể tương đương. Thị trường hoàn toàn bị động, thậm chí bất công, có những đơn hàng chúng tôi bị khâu trung gian ép phải sản xuất gia công cho họ. Là doanh nghiệp Việt thì phải sản xuất ra được các sản phẩm hoàn chỉnh, phục vụ thị trường chứ không thể là doanh nghiệp gia công, làm dịch vụ. Chúng tôi có sứ mệnh và tầm nhìn rất rõ ràng, phải luôn phấn đấu bằng chính nội lực của mình nhưng cùng rất cần được hỗ trợ”, ông Hoàng trăn trở.
Mong muốn của vị giám đốc HTX kiểu mới này là làm sao để cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng công nghiệp hỗ trợ nói riêng có được một hiệp hội thực sự mạnh có khả năng can thiệp. Hiệp hội này sẽ đại diện cho quyền lợi của các hội viên, là cầu nối để tạo cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp Việt. Chỉ khi có được một hiệp hội mạnh, sản phẩm từ các cơ sở sản xuất mới đến trực tiếp với khách hàng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp phụ trợ.
Lê Văn