Giải pháp chăm sóc vườn rau màu quy mô nhỏ

 

Phun thuốc trừ sâu bệnh cho cây trồng, rau màu luôn là công đoạn khá vất vả, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Thế nhưng, trong quá trình làm nông nghiệp, để cho ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, cho năng suất tốt thì phòng trừ sâu hại là khâu quan trọng. Để hạn chế độc hại cho sức khỏe con người, lại tiết kiệm được ngày công, cô Trần Thị Phương Thảo (ấp Thanh Thọ, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) cùng các đồng nghiệp của mình là anh Nguyễn Văn Đạt và chị Đào Bảo Ánh đã sáng chế thành công xe xịt thuốc trừ sâu cho rau điều khiển từ xa, sử dụng năng lượng mặt trời.

Chị Phương Thảo nhớ lại, gia đình chị làm nông nghiệp lâu năm, biết được tác hại của việc phun thuốc trừ sâu, thế nhưng chưa có cách nào tránh được. Năm ngoái, khi chứng kiến người thân chị bơm thuốc trừ sâu cho lúa, do chủ quan không đeo khẩu trang, chỉ mặc áo vải, đội mũ lá, cộng với bình bơm bị rò cho nên đã bị thuốc ngấm vào da. Về đến nhà, khắp người nổi mẩn đỏ, chân tay bủn rủn, choáng váng, phải đến bệnh viện điều trị và nghỉ làm nhiều ngày. “Phải làm thế nào tạo ra một sản phẩm giúp con người xịt thuốc chăm sóc rau mà không phải tiếp xúc quá nhiều với hóa chất”, điều đó đã thôi thúc chị làm làm một chiếc máy có thể hỗ trợ công đoạn này. Đến nay, sau một năm chỉnh sửa hoàn thiện, máy đã hoàn chỉnh với đầy đủ các chức năng đúng như chị Thảo mong muốn.

Phác thảo bản vẽ chi tiết máy

Máy với các bộ phận chính bao gồm: Motor bơm nước, động cơ giảm tốc, bánh xe lồng sắt, pin năng lượng mặt trời, bộ tay cầm điều khiển, bình acquy, máy bơm mini. Máy được thiết kế tự động hòa tan thuốc trừ sâu vào nước và phun tự động cho rau, với tốc độ phun 1 lít/1 phút. Với thiết bị này, người phun chỉ cần chuẩn bị nước và thuốc theo đúng tỷ lệ, đổ vào bình chứa là máy có thể hòa tan, bấm nút điều khiển từ xa là xe tự động phun theo đúng yêu cầu. Máy có thể dùng năng lượng mặt trời hoặc sử dụng pin sạc trong những ngày thời tiết râm mát.  Với tổng chi phí sản xuất hơn 2 triệu đồng, máy đã có thể vận hành ổn định.

Chị Phương Thảo cũng cho biết thêm, mô hình đã thử nghiệm thành công trên một số vườn rau ở ấp Thanh Thọ 3, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú từ 3/2020, quá trình phun diễn ra thuận lợi, lưu lượng phun đều trên luống rau. Tuy nhiên do lần đầu thử nghiệm nên máy chỉ có thể hoạt động ở quy mô nhỏ, phù hợp với vườn rau có diện tích nhỏ. Trong thời gian tới, nhóm thực hiện sẽ tiếp tục phát triển mô hình này với quy mô lớn hơn, thêm các thiết kế phù hợp hơn để có thể di chuyển máy trên các loại địa hình khác nhau, phục vụ cho việc chăm sóc cho cấy trồng các loại.

Diệu Linh