Cổng phun dung dịch sát khuẩn tự động – Mô hình có khả năng ứng dụng thực tiễn

Các cấp, các ngành tích cực phòng chống dịch 

Định Quán là một huyện nông nghiệp miền núi của tỉnh Đồng Nai với nhiều trang trại trồng trọt và chăn nuôi. Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, việc sát khuẩn luôn được các trang trại thực hiện chặt chẽ. Sau khi được đi tham quan thực tế một trang trại, nhóm học sinh Trần Thị Mai Thảo và Lê Thị Bảo Trâm của trường THCS Lê Thánh Tông, huyện Định Quán đã nghiên cứu và thực hiện mô hình: Cổng phun dung dịch sát khuẩn tự động cho các phương tiện di chuyển trong các trang trại chăn nuôi. Mô hình này đã đạt giải nhất trong hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Đồng Nai và được đánh giá có khả năng ứng dụng vào thực tế.

Trên thực tế, việc sát khuẩn đã được hầu hết các trang trại thực hiện khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc làm này chủ yếu được thực hiện thủ công. Tức là nhân viên bảo vệ, hoặc người có trách nhiệm sát khuẩn tiếp xúc gần để phun dung dịch sát khuẩn cho các phương tiện di chuyển vào trang trại. Việc làm này tốn rất nhiều công sức, nhân công và thời gian thực hiện.

Mô hình cổng phun dung dịch sát khuẩn tự động của học sinh Trần Thị Mai Thảo và Lê Thị Bảo Trâm được cấu tạo rất đơn giản, nguyên vật liệu dễ tìm với mức chi phí chỉ khoảng 500 ngàn đồng. Theo đó, Cấu tạo sản phẩm gồm 5 phần. Phần đầu tiên là khung sản phẩm bao gồm các ông nhựa PVC và co nhựa phi. Phần thứ hai là hệ thống bơm áp, bao gồm máy bơm áp 12V, 2 đáp-tờ chuyển đổi nguồn từ 220V xuống còn 12V và bộ điều chỉnh mức độ phun. Hệ thống này được bao bọc cẩn thận trong mút sốp để có thể ngăn được nước và an toàn về điện. Phần thứ ba là các béc phun sương, bao gồm: béc phun sương ở trên thùng xe, hai bên thành xe, dưới gầm và bánh xe. Phần thứ tư là bộ điều khiển từ xa bao gồm mô tơ giảm tốc 5V và máy điều khiển. Phần thứ năm là các can nhựa đựng dung dịch sát khuẩn có thể tận dụng lại.

Khi đi vào hoạt động, hệ thống cần được cung cấp nguồn điện. Khi thấy có phương tiện di chuyển trong phạm vi 5 đến 10 mét thì mạch cảm biến chuyển động sẽ cảm nhận được và hệ thống bơm áp sẽ bắt đầu phun dung dịch sát khuẩn. Với mô hình này, các bác bảo vệ có thể dứng từ xa, dùng bộ điều khiển để có thể phun được dung dịch sát khuẩn, kể cả ở dưới gầm và hai bên lốp xe.

Ngành y tế chỉ đạo phòng chống dịch

Sau khi hoàn thành sản phẩm và đưa vào hoạt động thử nghiệm, mô hình này đã chứng tỏ được những ưu điểm như: nguyên vật liệu dễ tìm, giá thành thấp và nguyên lý hoạt động rất đơn giản mà ai cũng có thể sử dụng đươc. Tuy nhiên, để mô hình này hoàn thiện hơn, các em cũng đã nghiên cứu và sẽ tiếp tục gắn thêm nhiều thiết bị khác.

Em Trần Thị Mai Thảo cho biết, “Nếu được gắn thêm hệ thống camera quan sát, chiếc máy này của em có thể vượt trội hơn trong việc có thể kiểm tra được việc phun dung dịch sát khuẩn để có mức độ hoàn thiện tốt hơn. Ngoài ra để đảm bảo an toàn điện và để máy vận hành xuyên suốt, chúng ta có thể thay thế nguồn điện trực tiếp bằng pin năng lượng mặt trời để đảm bảo việc chiếc máy hoạt động thường xuyên mà không cần sử dụng điện lưới.”

Là những học sinh THCS, tuổi đời tuy còn khá nhỏ nhưng với niềm đam mê sáng tạo, các em đã cho ra đời sản phẩm có khả năng ứng dụng vào thực tiễn rất cao. Từ việc đưa ra ý tưởng cho đến khâu thiết kế, hoàn thiện chứng tỏ các em có những kiến thức vững chắc và có sự đầu tư rất lớn cho mô hình. Cổng phun dung dịch sát khuẩn tự động cho các phương tiện di chuyển trong các trang trại chăn nuôi đã xuất sắc đạt giải nhất tại hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2020. Đây chính là kết quả đáng ghi nhận trong suốt quá trình miệt mài nghiên cứu sáng tạo cho ra mô hình của các em. Đồng thời, các em cũng mong muốn nhận được sự góp ý của Ban giám khảo để mô hình này hoàn thiện hơn, áp dụng thực tế vào các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Định Quán nói riêng, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

T.M