Cơ sở may Tuyết Lan: Chọn lối đi riêng để phát triển

Không hướng đến thị trường xuất khẩu như nhiều doanh nghiệp khác, Cơ sở may Tuyết Lan xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) lại chọn lối đi riêng cho mình bằng việc chú trọng vào thị trường nội địa. Đến nay, gần như tất cả các mặt hàng của cơ sở đều được tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Công nhân cơ sở may Tuyết Lan tập trung sản xuất để cung ứng sản phẩm cho khách hàng.

Cơ sở may Tuyết Lan, xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) hiện đang tạo việc làm cho gần 30 lao động tại địa phương với mức lương ổn định từ 7 triệu-10 triệu đồng/người/tháng. Mục tiêu của cơ sở là sản xuất ra sản phẩm chất lượng nhưng với chi phí và giá thành thấp, cung cấp cho thị trường sản phẩm hàng Việt chất lượng cao. Hiện các sản phẩm của cơ sở đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn như: Coopmart, Lotte mart, Mega Market, các cửa hàng, shop thời trang cao cấp…

Bà Đỗ Ánh Tuyết, Chủ cơ sở may Tuyết Lan chia sẻ: “Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của cơ sở. Tuy nhiên, khi mở cửa trở lại chúng tôi đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, ưu tiên những đơn hàng là thế mạnh của cơ sở”.

Trong đợt bùng phát dịch thứ tư vừa qua, cũng như nhiều cơ sở khác, Tuyết Lan đã phải tạm ngưng sản xuất trong 4 tháng, kéo theo đó là việc tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng, thiếu kinh phí trả lương cho người lao động, việc xoay vòng vốn cũng gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, ngay sau khi Đồng Nai chuyển sang trạng thái bình thường mới, cơ sở đã đẩy mạnh sản xuất, tập trung vào những mặt hàng vốn là thế mạnh và có sức cạnh tranh trên thị trường như đồ lót nam, nữ, vớ…. Bình quân mỗi ngày cơ sở đưa ra thị trường gần 2.000 sản phẩm các loại. Nguyên liệu và đơn hàng mới cũng đủ để cơ sở duy trì sản xuất từ nay cho đến tết Nguyên đán 2022.

Bên trong cơ sở may Tuyết Lan.

Để duy trì sản xuất, tạo thu nhập cho người dân địa phương, cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc mới giúp sản phẩm khi xuất xưởng có chất lượng ngày càng cao, bền và đẹp hơn so với trước. Sau 3 năm hoạt động có hiệu quả, cơ sở hiện đang phát triển thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, từ đó đưa những sản phẩm hàng nội địa chất lượng cao phục vụ thị trường.

Duy trì hoạt động sản xuất song song với giữ việc làm và thu nhập cho người lao động là bài toán khó của không ít doanh nghiệp sau cao điểm bùng phát của dịch bệnh Covid 19. Tại huyện Cẩm Mỹ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động sắp sếp lại nguồn lực, phân công lại lao động giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực nông thôn ổn định sản xuất; quan trọng hơn là giữ chân được người lao động, giúp người lao động có việc làm trong lúc khó khăn.

Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực nông thôn nói riêng. Ngay sau khi Đồng Nai chuyển sang trạng thái bình thường mới, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã bắt tay ngay vào phục hồi sản xuất. Theo đó, nhiều cơ sở tập trung sản xuất để bù đắp vào những đơn hàng bị thiếu hụt trong suốt thời gian tạm đóng cửa, đồng thời sản xuất cho những đơn hàng trong thời gian còn lại của năm theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

T.C