Sau đây là chia sẻ về kinh nghiệm của ông Lê Văn Quyết về mô hình khởi nghiệp từ nuôi gà xuất khẩu tại Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành).
Năm 2003, ông Quyết đầu tư trang trại nuôi gà công nghiệp tại huyện Long Thành. Trang trại không ngừng phát triển và chỉ khoảng 5 năm sau, trang trại đã tăng công suất lên gấp đôi, gấp ba so với khi mới khởi nghiệp.
Ông Quyết chia sẻ bí quyết khi khởi nghiệp, đầu tư vào ngành chăn nuôi gà xuất khẩu, yêu cầu đầu tiên là người chăn nuôi phải thực sự chuyên nghiệp trong từng bước đầu tư. Người chăn nuôi nên sản xuất tuân theo quy luật của thị trường. Đối với chăn nuôi gà xuất khẩu, người chăn nuôi phải giỏi kinh nghiệm và đặc biệt là vững vàng về bản lĩnh. Vì để trở thành nhà cung cấp gà cho doanh nghiệp xuất khẩu, họ phải chịu được 3 áp lực rất lớn là: đảm bảo về nguồn tài chính; đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng. Trong đó, vấn đề tài chính là một áp lực không nhỏ. Nuôi xuất khẩu, người nuôi phải có nguồn vốn lớn đầu tư trang trại hiện đại vừa phải chuẩn bị nguồn vốn lưu động đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi… Để đạt chuẩn về chất lượng, phải thực hiện những tiêu chuẩn rất khắt khe, nuôi không đạt sẽ bị loại ngay. Điều quan trọng không kém là phải đảm bảo sản xuất ổn định với số lượng lớn.
Ông Quyết cho hay xuất khẩu gà không mới với thế giới nhưng khá mới với Việt Nam. Vì vậy muốn khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực này, cần phải có sự liên kết giữa các bên. Vì với nhu cầu của thị trường xuất khẩu thì chỉ một vài trang trại không giải quyết được vấn đề nguồn cung mà phải liên kết rất nhiều thành viên là người chăn nuôi, các hợp tác xã và doanh nghiệp… Chính vì vậy, ông Quyết đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát vào năm 2017 nhằm kết nối thành hệ thống các trang trại với quy mô lớn đạt cả công suất, chất lượng. Hợp tác xã chính là đầu mối quản lý chặt chẽ để các thành viên cùng thực hiện chăn nuôi theo quy trình đạt chuẩn xuất khẩu để giải quyết cả bài toán về chất lượng và số lượng. Chính vì vậy, cái gốc của hệ thống liên kết mà hợp tác xã đang tập trung xây dựng chính là thu hút những người chăn nuôi có kinh nghiệm, có bản lĩnh.
Trang trại chăn nuôi theo chuẩn xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản
Hiện Long Thành Phát là hợp tác xã nuôi gà xuất khẩu duy nhất trên cả nước. Đây là hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao có nhiều nét mới. Cụ thể là thành viên của hợp tác xã không chỉ có người chăn nuôi mà còn có nhiều thành viên là doanh nghiệp cung cấp con giống, sản xuất cám… đủ chuẩn xuất khẩu. Hợp tác xã kiểu mới này đã từng bước tìm được lời giải cho những bài toán khó về việc luôn giữ được cả về chất lượng lẫn sản lượng của con gà xuất khẩu đi Nhật Bản. Đây là một mô hình khởi nghiệp phù hợp với đặc thù một số huyện thuộc tỉnh Đồng Nai, tận dụng kinh nghiệm và các điều kiện để phát triển các vùng sản xuất, đạt tiêu chuẩn sản phẩm để xuất khẩu.
Đồng Nai là “thủ phủ” về chăn nuôi của cả nước chính vì có lợi thế nằm sát thị trường lớn là TP.Hồ Chí Minh. Vùng Đông Nam bộ là vùng thuận lợi phát triển chăn nuôi công nghiệp cũng nhờ lợi thế về thị trường này. Thời gian qua, nhiều dự án đường cao tốc được đầu tư càng mang lại nhiều lợi thế phát triển ngành chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn cho khu vực Đông Nam bộ. Hiện chăn nuôi gia cầm đang mở rộng ra cơ hội cho các startup trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Phan Ngọc Xuân Duy.