CƠ HỘI KHỞI NGHIỆP TỪ NGHỀ CHUỐI SẤY Ở HUYỆN THỐNG NHẤT

Những vùng đồi đá của huyện Thống Nhất từ lâu đã nổi tiếng với các vùng chuyên canh cây chuối. Thấy nguồn nguyên liệu dồi dào, nhiều mùa thu hoạch chuối tiêu thụ không kịp, phải đổ bỏ nên bà Trần Thị Hoa (ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất)  đầu tư mở lò làm chuối sấy, chuối chiên rồi dần dần phát triển thêm nhiều sản phẩm khác.

Theo lời bà Hoa, từ thực tế chuối trồng ra ít người mua hoặc chủ yếu bán với giá thấp, thấy giá trị của chuối chưa được tận dụng, bà liền nghĩ cách chế biến thành sản phẩm khô, có thể bảo quản lâu dài; ban đầu chỉ là sản xuất nhỏ lẻ, làm thủ công, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong huyện và trong tỉnh. Nhưng từ năm 2005 gia đình bà đã đầu tư trang thiết bị, thuê nhân công sản xuất với số lượng lớn; sản phẩm làm ra được tiêu thụ khắp cả nước với những đơn hàng lớn.

Bà Hoa chia sẻ một số khó khăn trong quá trình sản xuất như thiếu vốn để đầu tư máy móc, cải tiến trang thiết bị sản xuất; về nguồn nguyên liệu đôi lúc không ổn định vì những năm gần đây thương lái thu mua chuối xuất khẩu nhiều, bà con nông dân đổ xô đi trồng chuối xuất khẩu, lượng chuối bom phục vụ cho sản xuất chuối sấy đôi lúc bị hạn chế và giá cả bấp bênh.

Bà Hoa chia sẻ về kinh nghiệm làm chuối sấy, chuối chiên: nguyên liệu làm chuối sấy phải là giống chuối bom, trái mập mạp, tròn đều, vỏ mỏng và không quá to như chuối sứ. Chuối đem bỏ vỏ, bào mỏng, rửa qua nhiều nước để sạch nhựa. Sau đó, đem chuối trộn với đường, mè rồi cho vào dầu chiên đến khi ngả màu cánh gián thì vớt ra. Để tăng hương thơm và thêm vị riêng, lúc trộn nguyên liệu người chế biến cho thêm gừng vào. Để có những mẻ chuối đạt chất lượng còn phụ thuộc vào nhiệt độ khi sấy. Chỉ cần già lửa và chiên hơi lâu là chuối cháy khét, ăn có vị đắng, không còn giữ được vị ngọt, giòn của chuối. Thời gian chiên phải được cố định trong khoảng 70-75 phút cho một mẻ. Sau khi chiên xong, chuối được vớt ra để ráo dầu, cho đến lúc bẻ đôi lát chuối nghe giòn tan là được.

Cơ sở Cường Hoa chế biến chuối sấy tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu.

Chế biến chuối sấy tại cơ sở Cường hoa

Sản phẩm chuối chiên, chuối sấy dần quen thuộc với thực khách gần xa, trở thành đặc sản của huyện Thống Nhất. Sản phẩm làm ra bao nhiêu được tiêu thụ ngay hết đó, hiếm khi lâm cảnh ế hàng. Để mở rộng sản xuất, năm 2017 cơ sở Cường Hoa đã đầu tư mở rộng 2 xưởng sản xuất và mua sắm máy móc để chế biến thực phẩm từ nông sản với tổng giá trị đầu tư khoảng 4 tỷ đồng. Qua đó, năng lực sản xuất tăng gấp 3 đến 4 lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, và cải thiện tốt hơn điều kiện lao động cho công nhân.

Hiện mỗi ngày cơ sở này bán ra thị trường cả nước từ 3 đến 4 tấn sản phẩm một ngày, riêng chuối sấy đã chiếm khoảng 2 tấn. Chuối sấy giòn cũng là một trong những mặt hàng được cơ sở quan tâm cải tiến sản xuất liên tục, và trong nhiều năm liền sản phẩm này được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp huyện, cấp tỉnh. Chuối sấy giòn của cơ sở chế biến rau củ quả Cường Hoa, Xã Quang Trung, Huyện Thống Nhất là một trong 22 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn Đồng Nai năm 2017. Đây là một trong những mặt hàng thế mạnh của cơ sở ngay từ ngày mới thành lập và hiện tại sản phẩm này đã được sản xuất trên dây chuyền tiên tiến hơn trước và đây còn là kết quả của việc mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất. Sản phẩm cũng đã tạo nên được thương hiệu đặc sản của vùng Thống Nhất: chuối sấy.

Với mô hình khởi nghiêp này đã giải quyết được nguồn nguyên liệu chuối tươi và tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Tận dụng nguồn liệu liệu và các mặt hàng tại địa phương kết hợp với ứng dụng các kỹ thuật công nghệ sản xuất phù hợp, sẽ tạo ra các sản phẩm khởi nghiệp, làm giàu chính đáng cho mỗi người trên mảnh đất quê hương mình.

Nguyễn Hoàng Tuấn.