Khởi nghiệp trong nông nghiệp luôn gặp nhiều yếu tố rủi ro do tác động của thị trường, thiên tai, dịch bệnh…Tuy nhiên, với việc ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần giảm thiểu tác động, giúp khởi nghiệp trong nông nghiệp có thêm cơ hội để thành công.
Theo ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), thời gian qua, đã có nhiều dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được triển khai. Đơn cử, trong trồng trọt, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, các chế phẩm sinh học, các bộ kít chẩn đoán bệnh, các loại phân bón thế hệ mới, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chất kích thích sinh trưởng quy mô công nghiệp…
Trong lâm nghiệp, sản xuất giống một số giống cây trồng lâm nghiệp, lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu mới; trong chăn nuôi, thú y chú trọng sản xuất dòng, giống vật nuôi; chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi, vắc-xin. Trong thủy sản, sản xuất giống thủy sản, nuôi thâm canh, siêu thâm canh, sản xuất thức ăn, thuốc…
Bà Hồ Thị Sự, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giúp nông dân khởi nghiệp bằng nhiều mô hình hay. Các cấp hội thường xuyên tư vấn cho hội viên, nông dân phương hướng sản xuất kinh doanh; lựa chọn các loại cây, con chủ lực theo quy hoạch để phát huy thế mạnh; phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo nghề nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hội viên nông dân khi bắt đầu khởi nghiệp; cung cấp các kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh… Các dịch vụ hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất cũng ngày càng được quan tâm đầu tư như: Vật tư nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, kết nối thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt là việc hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cần thiết từ Quỹ hỗ trợ nông dân và các ngân hàng, giúp nông dân có vốn khởi nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ…
Thời gian qua, nông nghiệp đang ngày càng thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia, là mảnh đất màu mỡ cho các startup, nhất là với khởi nghiệp về nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Mỗi đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp đều có một con đường, một phương thức đến với nông nghiệp nhưng ở các bạn trẻ có một điểm chung là quyết tâm nâng tầm những sản phẩm nông nghiệp, góp phần mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp – nông nghiệp thông minh thời kỳ mới.
Hiện, Trung ương Đoàn ban hành Kế hoạch số 541-KH/TWĐTN-TNNT về “Tuổi trẻ với nông nghiệp, nông thôn và tăng trưởng xanh giai đoạn 2022-2030″, đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện, trong đó có thúc đẩy thanh niên phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp có trách nhiệm.
Để thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai đã xác định cụ thể phương án phát triển ngành nông nghiệp với các yêu cầu như xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo tính ổn định lâu dài về đất đai nhằm kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, tỉnh sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch và xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Mặt khác, Đồng Nai cũng không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như đơn giản hóa thủ tục cho vay; sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sửa đổi, bổ sung chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên sâu. Đồng thời hoàn hiện chính sách xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách dự báo thị trường; chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản; bổ sung, hoàn thiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo hướng mở rộng sản phẩm bảo hiểm, thủ tục tham gia thuận tiện.
Giai đoạn tới, Đồng Nai tiếp tục định hướng thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án cánh đồng lớn để thực hiện việc liên kết giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã, hộ nông dân nhằm hiện thực hóa chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng phát triển bền vững; phấn đấu xây dựng các vùng chuyên canh kết hợp giữa sản xuất và chế biến đảm bảo số lượng, chất lượng; hướng dẫn doanh nghiệp sơ chế và chế biến phù hợp, vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp quản lý chất lượng tiên tiến để đảm bảo tiêu chuẩn nước ngoài để xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Thanh Cảnh