Từ chính câu lạc bộ nhỏ, những câu chuyện, ý tưởng về nghiên cứu sáng chế được tạo nên. Cũng từ đây, nhiều bạn trẻ nung nấu ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp, chọn ngành, chọn nghề để tiếp bước tương lai, đó chính là câu chuyện của một câu lạc bộ nghiên cứu khoa học được thầy trò Trường Trung học phổ thông Thống Nhất A, huyện Trảng Bom xây dựng nên với mong muốn tạo thành sân chơi cho những bạn trẻ đam mêm nghiên cứu khoa học.
Hiện câu lạc bộ đã có gần 5 năm đồng hành với thầy trò với rất nhiều ý tưởng sáng tạo hữu ích, khơi dậy tinh thần sáng tạo khoa học đồng thời tiếp lửa và chắp cánh cho những ước mơ tuổi trẻ bay cao. Với mục đích ban đầu là khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu, sáng chế khoa học kỹ thuật, cuối năm 2014, Trường Trường THPT Thống Nhất A đã thành lập câu lạc bộ “Ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông”. Cứ mỗi tuần 2 buổi vào thứ 4 và chủ nhật, 14 thành viên trong Câu lạc bộ lại tập trung lại để sinh hoạt. Tham gia câu lạc bộ, các em được thầy cô giáo, các cựu học sinh của trường hướng dẫn, nghiên cứu các mô hình, giải pháp kỹ thuật gắn với hoạt động trải nghiệm sáng tạo để các em phát huy khả năng của mình. Đồng thời, câu lạc bộ cũng trở thành nơi giao lưu, học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống, phát triển toàn diện về trí tuệ, thẩm mỹ, giúp cho các em hứng thú, đam mê, có phương pháp nghiên cứu khoa học, hình thành ý tưởng. Từ đó, biến những kiến thức đã học thành những sản phẩm cụ thể phục vụ lao động, sản xuất, học tập…
Theo thầy Nguyễn Thanh Phương, Chủ nhiệm câu lạc bộ “Ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông”, Trường Trung học phổ thông Thống Nhất A là người đồng hành thường xuyên với hoạt động của câu lạc bộ. Theo thầy Phương, ý tưởng hình thành câu lạc bộ là tạo sân chơi bổ ích cho các bạn đam mê nghiên cứu khoa học, thông qua các buổi sinh hoạt chung có thể định hướng ý tưởng nghề nghiệp để các em tham khảo. Câu lạc bộ cũng có thể gọi là sân chơi thực hành, nơi vận dụng những kiến thức bài giảng vào thực tiễn thông qua những sáng tạo thực tế, biến ý tưởng các em thành hiện thực. Cũng thông qua việc sinh hoạt câu lạc bộ để biết được mặt mạnh của mỗi em, qua đó giúp các em phát huy khả năng để định hướng phù hợp về nghề nghiệp tương lai về sau. Để các sản phẩm sáng tạo của câu lạc bộ được “cọ xát”, câu lạc bộ đã đăng ký thử sức với nhiều cuộc thi, hội thi trong và ngoài huyện như: Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật”; Hội thi “Khoa học kỹ thuật giành cho học sinh trung học phổ thông”, Hội thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng”, Hội thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”, Chương trình “Phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động học tập”. Nhiều sản phẩm sáng tạo đã giành được giải cao tại các cuộc thi này như: Sáng chế “Thiết bị rèn luyện hành vi giao thông” xuất sắc giành giải nhì cấp tỉnh và giải ba cấp huyện tại Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2017; Sản phẩm “Robot hỗ trợ vận chuyển, chăm sóc khách hàng”, giành giải nhất cấp tỉnh và cấp huyện tại Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2018, đồng thời giành giải khuyến khích tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp – SWIS 2018” do Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức vào cuối năm 2018, “Robot hỗ trợ vận chuyển, chăm sóc khách hàng” là sản phẩm được Trần Vũ Nhật Hào, Sầm Đức Anh và Trần Nguyễn Thanh Bi trong câu lạc bộ thực hiện với mục đích thay thế nhân viên phục vụ tại các quán ăn, quán giải khát, nhân viên vận chuyển hàng hóa…Sản phẩm được thiết kế 2 phần gồm: điện điều khiển và cơ khí. Tại các cuộc thi, sáng chế này được đánh giá cao về tính mới sáng tạo cũng như phù hợp với sự phát triển thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
Còn sản phẩm “Máy hỗ trợ thu hoạch nghêu” do hai thành viên trong Câu lạc bộ là Trịnh Phạm Như Trúc và Nguyễn Quốc Khánh chế tạo đã giành được giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2018 đồng thời đạt giải Nhất tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng của huyện Trảng Bom và tỉnh Đồng Nai tổ chức. Sáng chế này không chỉ được đánh giá cao bởi tính sáng tạo mà còn ở khả năng áp dụng rộng rãi trong thực tế, cụ thể là có thể sử dụng ở vùng nước nông, di chuyển dễ dàng trên cát, ở những bãi biển lớn, có khả năng thu hoạch nghêu trên cạn lẫn ngập trong nước. Ý tưởng cho sáng chế này được Trịnh Phạm Như Trúc chia sẻ, “Từ một lần được mẹ dẫn đến khu nuôi nghêu, nhận thấy việc nuôi nghêu khá là vất vả, người dân phải làm việc dưới trời nắng oi bức và sử dụng các công cụ thô sơ như: cào, liềm, xẻng xới từng centimet đất để nhặt lên từng con nghêu. Em đã trăn trở suy nghĩ làm thế nào để tăng năng suất thu hoạch nghêu và giúp người nông dân đỡ vất vả hơn” Và từ đó bắt tay vào cho sáng chế hữu ích này. Bằng những kiến thức đã được học cộng với tìm hiểu trên internet và được sự chỉ dẫn thêm của các thầy cô cũng như câu lạc bộ, sau 1 thời gian mày mò, từ việc điều tra phân tích dữ liệu, tính toán thiết kế đến chế tạo thử nghiệm, sản phẩm máy hỗ trợ thu hoạch nghêu của Trúc và Khánh đã hoàn thiện. Chia sẻ về mục đích khi tham gia câu lạc bộ, học sinh Sầm Đức Anh cho biết, “Em đã tham gia sinh hoạt câu lạc bộ từ năm 2017, khi tham gia câu lạc bộ em được trau dồi rất nhiều kỹ năng, tham gia các dự án, tạo động lực cho em phát tuy khả năng sáng tạo của mình. Hoạt động của câu lạc bộ thực sự là sân chơi vô cùng ý nghĩa đối với em”.
Trong năm 2020, những sản phẩm sáng tạo của câu lạc bộ tiếp tục giành được giải cao tại các cuộc thi sáng tạo khoa học trong và ngoài tỉnh, do các ngành, đoàn thể tổ chức. Từ những thành quả bước đầu, thành viên cầu lạc bộ lại được tiếp thêm “lửa” để chọn ngành, nghề khởi nghiệp và theo đuổi ước mơ.
Diệu Linh