PHÁT ĐỘNG CUỘC THI SDG CHALLENGE 2019: GIẢI PHÁP SÁNG TẠO CẢI THIỆN TIẾP CẬN CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

SDG Challenge là chương trình được khởi xướng bởi UNDP, với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển bền vững và tìm kiếm những giải pháp tạo tác động tích cực tới xã hội.

Sáng ngày 3/7, Lễ phát động cuộc thi “SDG Challenge 2019: Giải pháp sáng tạo cải thiện tiếp cận cho người khuyết tật” diễn ra tại Hà Nội, thu hút nhiều chuyên gia, đại diện các tổ chức khởi nghiệp và doanh nghiệp xã hội.

Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh tính chất đặc biệt và ý nghĩa xã hội của cuộc thi. Theo đó, SDG Challenge 2019 là cuộc thi khởi nghiệp đầu tiên hướng tới đối tượng người khuyết tật tại Việt Nam. Từ đây, các giải pháp mang tác động xã hội được kỳ vọng áp dụng không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra ASEAN, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực về các sáng kiến cho cộng đồng.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN Phạm Hồng Quất phát biểu (nguồn:Most.gov.vn)

Năm 2019, SDG Challenge được tổ chức dưới dự hợp tác của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Nhằm triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) một cách hiệu quả, SDG Challenge 2019 tập trung vào chủ đề Giải pháp sáng tạo cải thiện tiếp cận cho người khuyết tật (Innovative Solution for Accessibilities). Trên tinh thần đó, cuộc thi hướng đến tìm kiếm các giải pháp khởi nghiệp nâng cao bình đẳng, khả năng tiếp cận và trao quyền cho cộng đồng người khuyết tật tại Việt Nam. SDG Challenge 2019 đánh dấu cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên tại Việt Nam có một cuộc thi về khởi nghiệp trực tiếp đi tìm các giải pháp nhằm giải quyết một mục tiêu phát triển bền vững cụ thể cho nhóm yếu thế trong xã hội.

SDG Challenge 2019 cũng tiến hành kết nối giữa các nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức chính trị – xã hội và cộng đồng người khuyết tật để cùng tạo ra một hoạt động ý nghĩa, thực sự thúc đẩy bình đẳng và nâng cao nhận thức về sáng tạo tạo tác động cho xã hội nói chung và cho cộng đồng người khuyết tật nói riêng.

Cuộc thi cũng là hoạt động khởi động của Impact Techfest 2019 – chuỗi hoạt động về khởi nghiệp tạo tác động xã hội của Techfest Vietnam 2019, cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất tại Việt Nam.

Mục tiêu:

(a) Nâng cao nhận thức về đổi mới tạo hòa nhập xã hội, đặc biệt là cho người khuyết tật;
(b) Trưng bày các giải pháp đổi mới hỗ trợ khả năng tiếp cận cho người khuyết tật;
(c) Mở rộng phát triển các giải pháp và kết nối với các bên liên quan trong hệ sinh thái đổi mới;
(d) Xây dựng các cuộc đối thoại đa chiều giữa các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan để tăng cường sáng tạo hoà nhập và cải thiện khả năng tiếp cận của người khuyết tật.

Các hoạt động chính:

  • Vòng nộp hồ sơ: 09/07 – 30/07 (Dự kiến thời hạn bổ sung hồ sơ: 04/08)
  • Vòng tập huấn: 17/08 – 15/09 (6 buổi tập huấn về khởi nghiệp và tạo tác động xã hội)
  • Vòng chung kết: 19/09 (Dự kiến)

Thể lệ cuộc thi SDG Challenge 2019:

1. Đối tượng dự thi

Các tổ chức/nhóm/doanh nghiệp khởi nghiệp có giải pháp hoàn thiện hoặc đang trong quá trình thử nghiệm hướng đến cải thiện tiếp cận cho người khuyết tật.

2. Giải pháp dự thi

  • Giải pháp dự thi phải hướng đến Mục tiêu phát triển bền vững SDGs, cụ thể là các giải pháp nâng cao, cải thiện khả năng tiếp cận cộng đồng cho người khuyết tật.
  • Giải pháp dự thi phải phù hợp với thị trường tại Việt Nam và có tác động thiết thực đến xã hội.
  • Giải pháp phải được hoàn thiện và đã có thời gian thử nghiệm hoặc đang bắt đầu được đưa vào thử nghiệm.

3. Yêu cầu vòng hồ sơ

Nhóm/tổ chức/doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia cuộc thi cần chuẩn bị:

– Độ dài tối đa 15 trang slide gồm phụ lục (không tính vào trang bìa).

– Pitch deck cần thể hiện tóm tắt ý tưởng và mô hình kinh doanh đằng sau ý tưởng đó.

  • 1 video giới thiệu về sản phẩm:

– Video có độ dài tối đa 3 phút.

– Video có thể được lưu dưới dạng đuôi avi, wmv, mp4, flv hoặc mov.

– Không giới hạn cách thức và hình thức thể hiện trong video.

– Video của các đội được chọn qua vòng hồ sơ sẽ được đăng tải và chia sẻ trên các kênh truyền thông của cuộc thi để lan tỏa thông điệp đến cộng đồng.

  • Tài liệu liên quan:

– Các tài liệu chứng minh khả năng, tầm nhìn, sứ mệnh của đội thi trong việc sáng tạo giúp cải thiện tiếp cận, hòa nhập cho cộng đồng.

– CV hoặc bản giới thiệu về các thành viên đại diện tham gia.

4. Giải thưởng

  • Các đội vượt qua vòng hồ sơ:

– Chương trình đào tạo trong 6 buổi bao gồm chi phí hỗ trợ di chuyển đến Hà Nội.

– Tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại sự kiện tổng kết do UNDP và các đối tác tổ chức vào tháng 12/2019.

  • Đội thắng cuộc:

– Một chuyến đi Hàn Quốc dành cho 2 người đội thắng cuộc: Khám phá hệ sinh thái khởi nghiệp Hàn Quốc, thăm quan các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội và có cơ hội kết nối với mạng lưới UNDP trong khu vực.

– Chương trình hỗ trợ đặc biệt từ 6 – 8 tuần: kết nối và làm việc với các chuyên gia, nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong mạng lưới tổ chức khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam và các đối tác, tổ chức chính trị – xã hội.

– Tham gia trưng bày và giới thiệu giải pháp tại sự kiện tổng kết do UNDP và các đối tác tổ chức vào tháng 12/2019.

Nguyễn Hoàng Tuấn.