Tokopedia và Sea Group nằm trong top các công ty bán lẻ ở Đông Nam Á tính theo tổng giá trị hàng hóa trong năm 2020

Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu Euromonitor International, gã khổng lồ thương mại điện tử của Indonesia Tokopedia và đại gia công nghệ Sea Group trụ sở tại Singapore lần lượt xếp thứ nhất và thứ 3 trong số các công ty bán lẻ hàng đầu ở Đông Nam Á.

Dựa trên phân tích của công ty, bao gồm số liệu thống kê theo dõi và thảo luận với những ứng viên thương mại, Tokopedia đã ghi nhận gần 11,7 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2020, trong khi Sea Group, chủ sở hữu Shopee, thu về 8,7 tỷ đô GMV.

Thực tế, Shopee đã báo cáo GMV là 35,4 tỷ đô la trong báo cáo tài chính năm 2020 nhưng Euromonitor cho biết con số trong báo cáo của Shopee không bao gồm các giao dịch giữa khách hàng với khách hàng (C2C) và doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh số bán hàng của Shopee tại Đài Loan.

Seven & I Holdings, chủ sở hữu của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, đứng ở vị trí thứ 2 với GMV 11,5 tỷ USD trong khu vực.

Báo cáo của Euromonitor dự báo thêm rằng doanh số thương mại điện tử bán lẻ ở Châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng gần gấp đôi và đạt 2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Doanh số thương mại điện tử bán lẻ tại 9 quốc gia Đông Nam Á lớn, không bao gồm Đông Timor và Brunei, có thể đạt 143,7 tỷ đô. Con số đó thấp hơn so với dự đoán của Google, Temasek và Bain & Company trong Báo cáo e-Conomy SEA năm ngoái vốn cho biết thương mại điện tử có thể đạt 172 tỷ USD cùng kỳ. Một phần của sự khác biệt có thể được tính đến khi loại trừ các giao dịch C2C và B2B và doanh số bán xe có động cơ trong báo cáo của Euromonitor.

Với sự gia tăng của thương mại điện tử, Euromonitor cho biết 44% doanh nghiệp ở Châu Á Thái Bình Dương có thể nhận đơn hàng qua phương thức trực tuyến vào năm 2025. Con số này thậm chí có thể cao hơn ở Indonesia và Singapore, có thể chứng kiến lần lượt 47,9% và 57,5% số doanh nghiệp nhận đơn hàng trực tuyến.

Nhà phân tích nghiên cứu của Euromonitor Quan Yao Peh chỉ ra rằng sự trổi dậy của livestream và thương mại xã hội thông qua Instagram và các ứng dụng chat như WhatsApp và Viber có thể hỗ trợ xu hướng đó.

LH (TechinAsia)