Traveloka đã hoàn trả gần 100 triệu đô la cho khách hàng

Kỳ lân du lịch trực tuyến của Indonesia Traveloka cho biết họ đã giải quyết đến 90% trong số khoảng 1 triệu yêu cầu hoàn tiền vé máy bay mà họ nhận được kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.

Nhân viên Traveloka phát mặt nạ cho hành khách tại sân bay Jakarta vào đầu năm nay | Ảnh: Traveloka

Theo một bài post của nhà đồng sáng lập East Ventures Willson Cuaca, số tiền hoàn lại có tổng trị giá lên đến 1,4 nghìn tỷ rupiah (tương đương 95,9 triệu USD). East Ventures là nhà đầu tư sớm vào Traveloka.

Cuaca lưu ý rằng Traveloka chủ yếu dựa vào tiến trình xử lý của các hãng hàng không trên nền tảng của họ, khiến quy trình hoàn tiền trở nên phức tạp đối với công ty. Traveloka cho biết họ cũng luôn tuân thủ các chính sách do đối tác đặt ra như hình thức hoàn tiền (voucher du lịch chẳng hạn) và thời gian chờ, trong số các điều khoản khác.

Trưởng bộ phận tiếp thị vận tải của công ty Andhini Putri cho biết yêu cầu hoàn tiền và đổi lịch đặt chỗ đã tăng gấp 10 lần kể từ tháng 2 năm nay. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã phải củng cố hệ thống backend và phân bổ hơn một nửa nhân lực của mình để hỗ trợ các yêu cầu đó.

“Điều này dẫn đến việc hoàn thành hơn 90% yêu cầu hoàn tiền mà chúng tôi nhận được, do đó chúng tôi đang chờ đối tác của mình xử lý thêm và tiến hành xác nhận đối với một lượng lớn yêu cầu”, Putri cho biết thêm.

Cuối tháng trước, nền tảng đặt vé máy bay và khách sạn cho biết đã huy động được 250 triệu đô la vốn tài trợ mới để củng cố bảng cân đối kế toán và giúp đẩy mạnh dịch vụ của mình tại các khu vực ưu tiên được chọn.

Khoản tài trợ mới đến khi công ty chứng kiến hoạt động​​ “sụt giảm lịch sử” do đại dịch và các hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Tuy nhiên, Traveloka cho biết họ đã bắt đầu thấy “sự phục hồi đáng khích lệ” trong mảng du lịch nội địa và du lịch khoảng cách ngắn cũng như các hoạt động đặt chỗ.

Putri cho hay công ty vẫn đang theo dõi sát sao tình hình để đưa ra các quyết định chiến lược dài hơi hơn. Công ty cũng không ngừng cải tiến các hệ thống và quy trình dành riêng cho các yêu cầu hoàn tiền và đổi lịch. “Đây là một phần trong nỗ lực của chúng tôi nhằm tìm ra một biện pháp đón đầu nếu có tình huống tương tự xảy ra trong tương lai,” vị giám đốc này cho biết thêm.

Các đại lý du lịch trực tuyến, cùng với ngành du lịch – lữ hành rộng hơn, đang phải oằn mình chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng COVID-19. Một người chơi kém may mắn trong khu vực là Airy đã phải đóng cửa công ty vĩnh viễn.

Ctrip, một công ty lớn của Trung Quốc, cũng đang tìm cách hủy niêm yết khỏi sàn Nasdaq trong bối cảnh đại dịch và căng thẳng Mỹ – Trung leo thang.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, Phó chủ tịch đầu tư của MDI Ventures Aldi Hartanto cho biết các công ty du lịch trực tuyến sẽ cần phải tạo dựng đường băng tiền mặt ít nhất 18 tháng, tiến hành gây quỹ khẩn cấp hoặc hợp nhất với một công ty lớn hơn để sống sót qua cuộc khủng hoảng.

Lý Huỳnh (TechinAsia)