Huyện miền núi Tân Phú khoảng 20 năm trở lại đây khá nổi tiếng với nghề tạo trầm và chưng cất tinh dầu trầm. Vài chục năm về trước, cây dó bầu được người dân địa phương nhập giống về và trồng thử nghiệm ở một số xã trên địa bàn. Do phù hợp với thổ nhưỡng nên cây sinh trưởng và phát triển tốt. Chỉ ít năm sau, niềm vui của người dân như được nhân đôi khi một số nông dân, doanh nghiệp đã thành công trong việc kích trầm trên cây dó bầu. Từ đó, nghề chưng cất tinh dầu trầm cũng phát triển mạnh.
Nở rộ nghề làm trầm hương
Từ bao đời nay, trầm hương được sản sinh từ cây dó tự nhiên chỉ có trong rừng sâu, được con người khai thác, chiết xuất tạo ra tinh dầu trầm hương. Đây là sản phẩm quý mà thiên nhiên ban tặng có nhiều giá trị trong ngành dược phẩm cũng như làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Được thiên nhiên ưu đãi, huyện miền núi Tân Phú có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với loại cây dó, đặc biệt là tại xã Phú Trung và Phú Sơn. Hàng trăm hecta cây dó được người dân địa phương trồng, khai thác, kéo theo đó là nghề chiết xuất tinh dầu trầm, các sản phẩm từ trầm cũng phát triển.
Tại huyện Tân Phú, thời thịnh của nghề trầm hương cả huyện làm rầm rộ và đông đúc như một làng nghề. Hàng trăm cơ sở chế biến trầm hương mọc lên san sát, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Đến nay, nghề sản xuất trầm hương không còn phát triển như trước nhưng vẫn còn khá nhiều cơ sở duy trì hoạt động.
Tại xã Phú Trung, theo thống kê của chính quyền địa phương, hiện trên địa bàn có gần 100 cơ sở chế biến trầm và chiết xuất tinh dầu trầm lớn nhỏ. Qua đó góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Cơ sở chiết xuất tinh dầu trầm Văn Giang là cơ sở chiết xuất tinh dầu trầm lớn tại địa phương với 12 năm làm nghề. Gần 30 nồi nấu vẫn đêm ngày đỏ lửa, vì thế mà gần 20 lao động tại cơ sở luôn có việc làm và thu nhập ổ định với thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, cơ sở Văn Giang đưa ra thị trường gần 100 lít tinh dầu trầm hương với giá bình quân khoảng 230 triệu đồng mỗi lít.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ cơ sở chiết xuất tinh dầu trầm Văn Giang, xã Phú Trung (H.Tân Phú),cho biết tinh dầu trầm trên địa bàn hầu hết được khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh thu mua. Bên cạnh đó, một lượng lớn khách hàng đến từ Ấn Độ, Trung Quốc và một số quốc gia Trung Đông. Ngoài tinh dầu trầm, các cơ sở chế biến trầm hương trên địa bàn còn sản xuất nhiều mặt hàng khác như: bột trầm, nhang trầm, nước cất tinh dầu trầm, trầm miếng, trầm mỹ nghệ… phục vụ thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Khai thác tối đa giá trị từ cây dó bầu
Để tạo trầm hương, người dân dùng một chế phẩm sinh học đặc biệt cấy vào thân cây dó bầu. Sau vài năm nuôi dưỡng, họ cắt cây dó bầu thành từng đoạn ngắn để thu hoạch trầm. Trên thân dó bầu, trầm hương tích tụ thành lớp dầu màu nêu mỏng nằm giữa các lớp giác trắng. Để lấy được phần trầm hương, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như bổ, chẻ, đục, đẽo, tỉa, mài và đánh bóng. Ngoài sản phẩm chính là tinh dầu trầm, các cơ sở chế biến còn sản xuất ra nhiều sản phẩm khác nhằm gia tăng giá trị từ cây Dó bầu.
Ông Trương Thanh Khoan, người sáng lập công ty TNHH MTV Trương Thanh Khoan là người đầu tiên tạo ra chế phẩm vi sinh kích thích tạo trầm trên cây Dó bầu. Chế phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng “Độc quyền sáng chế phương pháp kích thích cây dó để tạo trầm”.
Là người nổi tiếng với sáng chế độc quyền tạo trầm trên cây dó bầu từ nhiều năm nay, ông Trương Thanh Khoan, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú vẫn đang nỗ lực tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm trầm sạch của mình ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến.
Trầm hương có mùi thơm đặc trưng, dùng chế biến nhiều sản phẩm cao cấp nên thị trường các nước vẫn ưa chuộng, nên nghề sản xuất trầm hương vì thế mà vẫn ăn nên làm ra. Để lấy được một ký trầm hương bán với giá hàng chục triệu đồng, người thợ phải kỳ công tỉ mỉ dùng tay đục, chẻ, sủi từng thanh gỗ dó bầu để lấy lõi trầm hương mỏng dính và thơm đặc trưng ẩn bên trong. Việc sản xuất trầm hương không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà tạo việc làm cho lao động nông thôn và tiêu thụ cây dó bầu cho người nông dân.
Ngoài ra, để tận thu nguồn nguyên liệu trầm hương, ông Khoan cũng tiến hành xây dựng lò chưng cất tinh dầu trầm. Sau khi đục đẽo, phân loại sản phẩm trầm, những thớ gỗ dó bầu có trầm kém hơn sẽ được xay nhuyễn rồi cho vào nồi chưng cất. Với quy mô sản xuất 09 nồi chưng cất dung tích 300 lít mỗi nồi hoạt động liên tục trong 48 tiếng sẽ thu được thành phẩm. Trung bình, 01 nồi nấu khoảng 30kg trầm tươi xay vụn sẽ thu được 6ml tinh dầu và 200 lít nước cất trầm hương. Để có được thiết bị sản xuất tinh dầu và nước cất từ trầm, ông Khoan phải cùng thợ tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ nồi nấu trầm vì phải bảo đảm lấy được tinh dầu trầm với số lượng nhiều nhất có thể. Các nồi chưng cất trầm hương bằng điện đều được ông Trương Thanh Khoan tự sáng tạo và đặt làm theo thiết kế riêng, có lớp cách nhiệt nên dù mỗi nồi trầm hương phải nấu liên tục trong nhiều giờ, nhiệt độ xung quanh vẫn không thay đổi, điều này vừa đảm bảo an toàn lao động, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Không chỉ bán các sản phẩm trầm hương theo trọng lượng, công ty còn chế tác sản phẩm thành trầm cảnh, khô mộc dùng để trưng bày. Theo đó, dòng sản phẩm này hiện được rất nhiều người ưa chuộng và có giá không hề rẻ. Mỗi nhánh trầm cảnh có chiều cao từ 1 – 1,5m có giá trên dưới 20 triệu đồng. Đối với những cây có nhiều điểm tích tụ trầm, màu sắc và thế đẹp có giá từ 50 đến 100 triệu đồng.
Thu tiền đô từ chưng cất tinh dầu tràm
Huyện miền núi Tân Phú khoảng 20 năm trở lại đây khá nổi tiếng với nghề tạo trầm và chưng cất tinh dầu trầm. Vài chục năm về trước, cây dó bầu được người dân địa phương nhập giống về và trồng thử nghiệm ở một số xã trên địa bàn. Do phù hợp với thổ nhưỡng nên cây sinh trưởng và phát triển tốt. Chỉ ít năm sau, niềm vui của người dân như được nhân đôi khi một số nông dân, doanh nghiệp đã thành công trong việc kích trầm trên cây dó bầu. Từ đó, nghề chưng cất tinh dầu trầm cũng phát triển mạnh.
Ông Lê Kim Chương, Giám đốc Công ty TNHH New Land, thị trấn Tân Phú (H.Tân Phú) cho biết, tinh dầu nguyên chất được xem là dòng sản phẩm quan trọng và giá trị nhất được chiết xuất từ trầm hương. Thế nhưng, để có được sản phẩm cuối cùng này thì phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Sau khi cấy tạo trầm hương trên thân cây dó bầu thành công, những người làm nghề sẽ hạ cây, phân nhỏ thân để sủi, chẻ, bóc tách thu hoạch trầm. Gỗ trầm hương được xay nhỏ thành bột, ngâm trong nước để tạo một hỗn hợp và đem đi chưng cất. Hơi nước chứa các phân tử mang hương thơm được thu giữ và ngưng tụ. Tinh dầu trầm hương nguyên chất thường sẽ nổi trên phần nước cất, sau đó được thu tách riêng với các thành phần khác. Khi dụng cụ ngưng tụ nguội đi, phần dầu nguyên chất được sử dụng làm tinh dầu trầm. Phương pháp chưng cất hơi nước, một trong những phương pháp hữu hiệu nhất trong việc cho ra sản lượng cũng như chất lượng dầu tốt nhất đồng thời hạn chế thấp nhất lượng hao tổn, thất thoát.
Với 5 lò chưng cất, mỗi tháng cơ sở chưng cất tinh dầu trầm của ông Lê Kim Chương chưng cất được khoảng 3 lít tinh dầu trầm, mỗi một lần chưng cất thường kèo dài khoảng 3 ngày, 3 đêm thì được một mẻ tinh dầu trầm. Hiện giá bán bình quân khoảng 10.000 USD mỗi lít.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông Chương cùng một số người làm nghề còn liên kết với nhau để đáp ứng những đơn hàng lớn hơn. Theo ông Chương, tinh dầu trầm đang rất hút hàng do cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, tinh dầu trầm của Việt Nam có chất lượng cao hơn hẳn một số nước trong khu vực Đông Nam Á nên được các khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… ưa chuộng. Những người làm nghề như ông Chương kỳ vọng việc liên kết sẽ giúp có lượng hàng đủ lớn và đầu ra ổn. Qua đó góp phần xây dựng thương hiệu trầm hương Tân Phú, một ấp ủ của những người làm nghề lâu nay. Ngoài tinh dầu trầm, các sản phẩm khác như trầm mỹ nghệ, tràng hạt, nhang trầm cũng được các sơ sở sản xuất để đáp ứng thị hiếu của khách hàng và làm gia tăng giá trị các sản phẩm từ cây dó bầu.
Minh khôi