Trồng nấm cho hiệu quả kinh tế

Năm 2007, chủng nấm Bạch hương lần đầu tiên được phát hiện tại Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên. Các nhà khoa học nhận định đây là loài nấm quý hiếm, vấn đề bảo tồn và nhân giống rộng rãi là vô cùng cần thiết, không chỉ góp phần vào đa dạng sinh học, phát triển rừng mà còn là nguồn cung thực phẩm ngon lạ cho vùng miền.

Chính vì vậy mà “Mô hình nuôi trồng nấm thực phẩm Bạch hương phát hiện ở vườn quốc gia Cát Tiên” đã ra đời, nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để nuôi trồng loại nấm này.

Nghiên cứu, nhân giống nhằm bảo tồn và mở ra cơ hội phát triển thành những sản phẩm đặc trưng của vùng là mục đích nghiên cứu của một nhóm chuyên gia đến từ ban quản lý Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên.

Anh Phạm Ngọc Dương, Trưởng nhóm nghiên cứu nấm vườn quốc gia Cát Tiên, huyện Tân Phú chia sẻ, chúng tôi nghiên cứu về công nghệ nuôi trồng, phân tích về hóa dược và xây dựng mô hình. Trong đó đã tiến hành thuần hóa được chủng nấm hương ưa nhiệt vì trước đây chỉ trồng được ở khí hậu lạnh. Hiện khí hậu nóng vẫn trồng được vì sử dụng nguồn Gien bản địa đối với cây nấm quý có giá trị kinh tế cao tại địa phương.

Theo đó, từng loại nấm có biên độ sinh trưởng khác nhau, phụ thuộc vào từng thời tiết khác nhau, công nghệ này giúp phân tích và chuyển đổi đặc tính sinh trưởng của chúng, từ đó có cơ chế xử lý nóng – lạnh phù hợp để ở bất kì thời tiết, nhiệt độ hay môi trường nào cũng có thể sinh sôi, phát triển. Công nghệ nghiên cứu này hiện đã được ứng dụng rộng tại Vường Quốc gia Nam Cát Tiên. Các loại nấm có nguồn Gien từ bản địa tại đây như: Linh chi, Bào ngư, Đông cô… đều được nuôi trồng để tăng tính dược liệu cao, tăng sức đề kháng, hỗ trợ cho hoạt động của gan, kìm hãm các tế bào ung thư.

Cũng theo anh Dương, để đạt được kết quả trên chúng tôi đã có sự hỗ trợ của các nhà khoa học, viên khoa học xã hội Hà Nội. Riêng sở Khoa học – Công nghệ đã cung cấp toàn bộ kinh phí cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu hóa dược để đề tài được thành công.

Đề tài nghiên cứu và ứng dụng công nghệ này đã được Sở KH và CN tổ chức hội đồng đánh giá nghiệm thu, được kiểm soát về công nghệ nuôi trồng, chăm sóc bảo vệ theo công nghệ sạch tiệt trùng, không sử dụng các hóa chất bảo quản. Tuy nhiên, do địa bàn nằm ở vùng sâu, vùng xa nên các thông tin về sản phẩm còn ít người dân biết đến. Nghiên cứu này một lần nữa khẳng định nền khoa học – công nghệ tại Đồng Nai đang ngày càng được nâng cao, bám sát yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đem lại hiệu quả thiết thực và ngày càng rõ rệt về nhiều mặt trong đời sống ở địa phương.

Sau nhiều năm nghiên cứu và sưu tầm, nhóm nghiên cứu nấm Vườn Quốc gia Cát Tiên công bố có hơn 300 loài nấm, trong đó gần 200 loài được sưu tập và bảo quản tại phòng mẫu của Vườn. Hiện các thành viên trong nhóm đang thử nghiệm và nuôi trồng đại trà, nhằm chuyển giao công nghệ cho nông dân sản xuất để bảo tồn và phát triển các loại nấm quý.

Đỗ Quyên