Nghề nuôi cá sấu đã dần trở nên quen thuộc và được nhiều thanh niên nông thôn lựa chọn thử sức để khởi nghiệp bởi đầu ra sản phẩm khá ổn định. Một trong những mô hình khởi nghiệp thành công với nghề nuôi cá sấu tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai là chị Nguyễn Thị Diệu Hiền.
Năm 2013, đời sống gia đình của chị Hiền còn nhiều khó khăn do thu nhập chủ yếu dựa vào canh tác lúa. Sau khi tìm hiểu các mô hình nuôi cá sấu của một số bà con ở ngoài huyện và tỉnh, chị Hiền đã quyết định đầu tư xây chuồng trại nuôi cá sấu với niềm tin rằng đây là đối tượng nuôi có thể giúp cải thiện thu nhập cho gia đình.
Được sự ủng hộ và động viên của gia đình, chị Hiền mạnh dạn đầu tư 50 triệu xây chuồng trại và mua 50 con cá sấu giống về nuôi. Sau 15 tháng chăm sóc tốt, đúng quy trình, chị Hiền thu hoạch và xuất bán hơn 400 kg cá thương phẩm (trọng lượng trung bình từ 10 – 12 kg/con), lãi hơn 30 triệu đồng.
Những đồng tiền lãi đầu tiên ấy như là động lực để chị Hiền tiếp tục dùng nó đầu tư mở rộng chuồng trại. Chị còn mạnh dạn vay thêm vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng mô hình. Đến nay quy mô trại nuôi của chị Hiền được chia thành hai khu: khu nuôi cá sấu thương phẩm, có thể nuôi được hơn 400 con và khu nuôi cá sấu chuyên lấy da với khoảng 100 con.
Chị Hiền cho biết, đối với cá sấu thương phẩm, sau thời gian nuôi 13 – 15 tháng cá sấu đạt trọng lượng trung bình 15 kg/con là có thể xuất bán thương lái trong nước xẻ thịt. Đối với hình thức nuôi cá sấu lấy da: bố trí nuôi 1 con/ô chuồng có diện tích 2m2, sau thời gian nuôi từ 3 – 5 năm có thể đạt trọng lượng hơn 50 kg/con, đạt tiêu chuẩn để xuất bán lấy da. Với giá bán hiện nay trung bình từ 120 ngàn đồng/kg, giúp chị có nguồn thu nhập ổn định, sau khi trừ chi phí chị Hiền còn lãi trung bình hơn 220 triệu đồng/năm.
Đàn cá sấu trong khu vực nuôi của chị Hiền
Chị Hiền chia sẻ: “Quy trình chăm sóc cá sấu cũng khá đơn giản, quan trọng nhất là nguồn cá giống đảm bảo chất lượng, uy tín để không hao hụt đầu con và phải tiêm phòng để tránh các loại dịch bệnh cho cá. Cá sấu ăn tạp, có thể cho ăn tất cả thức ăn có nguồn gốc động vật, chủ yếu như: các loại cá biển, chuột, gà…”.
Còn về độ an toàn, chị Hiền cho biết, khi xây dựng chuồng trại chị đã chọn nơi có nhiều ánh nắng mặt trời, đủ bóng râm về mùa hè. Thiết kế rào chắn và chôn hàng rào ngập trong đất ít nhất 50cm vì cá sấu có thể tẩu thoát, xổng chuồng bằng cách dũi đất nhất là khi đất quá ẩm. Có thể dùng gạch chỉ, gạch patanh để xây móng chìm trong đất và xây thành tường cao lên cách mặt đất 30cm. Phía trên hàng tường này buộc gỗ hoặc lưới kim loại để rào kín. Tường rào xây cao khoảng 1,4m có thể nuôi nhốt những con cá sấu dài 2m an toàn. Chuồng nuôi nhất thiết phải có nước cho cá sấu đầm mình, vì vậy phải có ao hoặc bể xây. Mô hình một ao nuôi cá sấu có đáy đất, bờ được xếp hoặc kè đá và xi măng, có dòng nước tự chảy vào – ra nhưng vẫn giữ được mức nước cố định và nguồn nước đảm bảo sạch
Bên cạnh việc đầu tư làm kinh tế, với vai trò là Bí thư chi đoàn ấp chị Hiền cũng luôn tích cực, năng động trong các hoạt động xã hội. Cùng với tổ chức các phong trào cho thanh niên của ấp, chị Hiền còn tuyên truyền, vận động các bạn trẻ tại địa phương học tập các mô hình phát triển kinh tế và truyền đạt kinh nghiệm trong sản xuất của mình cho các bạn làm giàu cho bản thân.
Chọn hướng khởi nghiệp làm giàu bằng việc nuôi cá sấu, đến nay mô hình nuôi cá sấu của chị Nguyễn Thị Diệu Hiền đã phát triển ổn định và cho thu nhập cao. Là một điển hình trong phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn.
Nguyễn Thị Hạnh.