Thành công với mô hình khởi nghiệp xanh

 Anh Trần Văn Tuấn giới thiệu về dự án khởi nghiệp của mình  

Trở về với lối sống thuận tự nhiên, ăn sạch sống xanh đang là xu hướng của nhiều dự án khởi nghiệp hiện nay. Và vợ chồng anh Trần Văn Tuấn và chị Nguyễn Thị Yến (Hộ kinh doanh Yến Lộc Rừng, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đã từ bỏ cuộc sống làm công ăn lương nơi đô hội để trở về quê hương khởi nghiệp với những dự án thuận tự nhiên của mình. Năm 2023, vợ chồng anh chị là cho ra mắt thêm một dự án xanh mới sau thành công của dự án “Bột ngũ cốc Yến Lộc Rừng” năm 2020.
Dự án khởi nghiệp “Mô hình vườn rừng với cây sương sâm lông” của vợ chồng anh là dự án tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài năng bản địa toàn quốc năm 2023, là 1 trong 6 dự án khởi nghiệp xuất sắc được chọn trao giải Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2023. Hiện Dự án đã hoàn thành chương trình đánh giá chứng nhận OCOP tỉnh Đồng Nai năm 2023.
Sản phẩm chính của Dự án bao gồm: Quy trình trồng, chăm sóc cây, thu hoạch, chế biến lá sương sâm; Giống cây sương sâm sạch bệnh; Lá sương sâm khô và tươi và sản phẩm chủ lực của dự án là Bột sương sâm Lamoi – Pro. Dự án mang giá trị cốt lõi là bảo vệ và duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học cho thế hệ tương lai.
Anh Trần Văn Tuấn, chủ dự án cho hay: “Chúng tôi thực hiện dự án với mong muốn tạo ra một môi trường xanh, bền vững và đóng góp tích cực vào sự hòa hợp với thiên nhiên; đảm bảo duy trì và mở rộng quỹ đất rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và hỗ trợ nghiên cứu bảo tồn. Do vậy, thị trường của chúng tôi hướng đến là các doanh nghiệp, khách hàng có tâm huyết với phát triển bền vững và mong muốn đóng góp vào việc giảm khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, chúng tôi nâng cao hiệu quả quản lý vườn rừng và chế biến các sản phẩm từ vườn rừng. Sự tăng trưởng bền vững của dự án giúp đảm bảo sinh lợi tốt cho cộng đồng địa phương và góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội.

Giới thiệu sản phẩm dự án khởi nghiệp xanh 

Theo anh Tuấn, chúng tôi nghiên cứu trong nhiều tài liệu y học cho thấy, thành phần của lá sương sâm lông chứa rất nhiều cissamparein và hayatidin có tác chữa bệnh vô cùng tốt trong y học cổ truyền và y học hiện đại. Ngoài ra lá sương sâm lông còn có công dụng làm mát gan, trị các bệnh về dạ dày và bệnh huyết áp cao do tăng Cholesterol.
Hiện Dự án “Mô hình vườn rừng với cây sương sâm lông” đang trong quá trình thực hiện giai đoạn 1 với việc nâng cao năng lực quản trị, quản lý của chủ cơ sở; Hoàn thiện cơ sở vật chất, nhà xưởng, thủ tục pháp lý,…Đăng ký các tiêu chuẩn cho sản phẩm như: Ocop, hữu cơ, Iso,….Hoàn thiện quy trình làm việc cho từng bộ phận trong bộ máy; Xây dựng vùng nguyên liệu (0,2ha) để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất sau này; Xác định nhu cầu và tiềm năng của thị trường. Thu thập thông tin thị trường, tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh và điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ. Nghiên cứu và phát triển làm đa dạng hóa sản phẩm từ cây sương sâm lông. Tìm kiếm đối tác mở rộng vùng nguyên liệu thông qua đào tạo canh tác hữu cơ, vườn rừng. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vùng nguyên liệu (0,6-1ha); Đào tạo nhân viên và công nhân để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu suất sản xuất; Tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm chi phí và tăng năng suất…
Dự kiến, trong tương lai, dự án sẽ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để cải tiến sản phẩm và đầu tư cho du lịch trải nghiệm vườn rừng sương sâm.

Dự án Bột ngũ cốc Yến Lộc rừng đạt giải cuộc thi phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp 

Sản phẩm chủ lực của dự án là bột sương sâm Lamoi-Pro được sản xuất theo quy trình chặt chẽ, theo dõi từ khâu cải tạo đất, ươm giống, trồng, thu hoạch và rửa sạch lá, sau đó lá sương sâm sẽ được sấy khô, nghiền mịn và đóng gói, nhập kho và xuất bán.
Hiện dự án đã đầu tư được một số trang thiết bị máy móc dựa trên nguồn vốn tự có như: Máy sấy lạnh; Hệ thống nghiền, đóng túi; Máy hút chân không; Máy rửa rau (lá); Thiết bị văn phòng; Hệ thống nước RO và hệ thống nhà xưởng. Theo anh Tuấn, với nguồn nguyên liệu trong vùng trồng hiện tại (khoảng 1ha) thì hệ thống máy móc vẫn đáp ứng được, thế nhưng trong thời gian tới, dự tính mở rộng quy mô sản xuất thì cơ sở cần thêm nguồn vốn để đầu tư thêm trang thiết bị máy móc. Theo như tính toán của Yến Lộc Rừng, với tổng số vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 tỷ đồng để thành lập và phát triển dự án, thì sau 1 năm sẽ hoàn lại được vốn đầu tư, lợi nhuận sau thuế sẽ đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm và dự đoán trong các giai đoạn tiếp theo lợi nhuận sẽ tăng cao hơn.
Dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng về số liệu tài chính của cơ sở cho thấy việc canh tác, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ mô hình vườn rừng với cây sương sâm có hiệu quả cao, dễ nhân rộng, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Về lâu dài, dự án không chỉ đem lại doanh thu ổn định mà còn hỗ trợ cải tạo đất đai ngày càng màu mỡ, rừng dần được hình thành, đa dạng sinh học được thiết lập và hình thành các nguồn thu mới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển du lịch hệ sinh thái, thu hút khách du lịch, sinh viên thực tập, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thuận tự nhiên, đặc biệt là hướng canh tác vườn rừng…

T.Quế