Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, chủ động ngăn chặn các sự cố do ngộ độc rượu gây ra, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện, thành phố Long Khánh và TP. phố Biên Hòa phối hợp thực hiện một số nội dung về việc tăng cường quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu; Triển khai vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ thực hiện ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ thực hiện ký cam kết theo quy định của UBND tỉnh về ban hành Quy định việc phân công phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý ngành công thương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Quyết định về đảm bảo 100% các cơ sở đều thực hiện ký cam kết theo quy định. Tổ chức thực hiện cấp giấy phép đối với cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, cơ sở bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên; Triển khai và yêu cầu các thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5.5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5.5 độ thực hiện đăng ký với Phòng Kinh tế/Phòng Kinh tế và Hạ tầng. Thống kê, rà soát, tổng hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ trên địa bàn theo danh sách đính kèm, gửi về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo.
UBND cấp xã yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại thực hiện đăng ký với UBND cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.
Theo thông tin từ Sở Công Thương, qua tổng hợp danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh từ báo cáo của các địa phương, nhận thấy số lượng cơ sở thực hiện ký cam kết và được cấp giấy phép đạt tỷ lệ thấp, ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 33,1%; cấp giấy phép bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 7,4%.