Cái duyên tình cờ đưa chị Phạm Thị Thanh Huyền (ấp Nam Hà, xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) đến với nghề nuôi chim trĩ, là người đầu tiên của địa phương đầu tư nuôi chim trĩ và đã thành công. Hiện chị đang là chủ trang trại rộng hơn 2.000m2 với số lượng chim trĩ lên đến hơn 1.400 con các loại, lợi nhuận mỗi năm hơn 150 triệu đồng.
Sau khi tốt nghiệp THPT, chị đăng ký học trung cấp ngành dược. Ra trường, chị được ba mẹ hỗ trợ tiền mở tiệm thuốc tây gần nhà. Năm 2007, sau khi lấy chồng, chị đã nhường lại tiệm thuốc cho em ruột để cùng chồng lên TP. Hồ Chí Minh sinh sống (chồng làm trưởng phòng kinh doanh của một công ty lớn ở TP. Hồ Chí Minh). Đến năm 2008, chị về nhà ba mẹ ruột để ở và sinh em bé. Một lần, ông Phạm Văn Hiệu (ba ruột chị Huyền) tình cờ xem ti vi có giới thiệu về mô hình nuôi chim trĩ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao (lúc ấy, chim trĩ thương phẩm có giá từ 450.000 – 500.000 đồng/kg) và ông đã đem câu chuyện kể lại cho vợ, con. Câu chuyện hay đã thu hút các thành viên trong gia đình. Thế rồi năm 2009, chồng chị lặn lội xuống tỉnh Tiền Giang tìm mua 16 con giống (12 con mái và 4 con trống) với giá hơn 1 triệu đồng/con đem về nuôi.
Thời gian đầu, chị Huyền chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc và kỹ thuật ấp trứng chim trĩ. Từ 16 con chim giống ban đầu, chị nuôi trong vài tháng thì chim trưởng thành và bắt đầu đẻ trứng. Mỗi lần chim mẹ đẻ trứng chị đều giữ lại để cho ấp nhưng chỉ nở được vài chim con. Sau nhiều lần ấp trứng, chị có được khoảng 50 chim con. Chị nuôi được 4 tháng thì số chim trên bị bệnh dịch tả và chết sạch, do chị không chích ngừa. “Lúc ấy tôi suy nghĩ, mình đã đầu tư nhiều công sức, tiền bạc sắm sửa máy ấp trứng… thì không thể bỏ cuộc một cách dễ dàng. Từ đó, tôi càng quyết tâm gầy dựng lại mô hình nuôi chim trĩ”, chị Huyền tâm sự.
Sau lần thất bại trên, chị Huyền cẩn thận hơn trong việc thực hiện mô hình nuôi chim trĩ. Đầu tiên, chị lên mạng tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc chim cũng như cách ấp trứng. Sau đó, chị đầu tư mua 120 con chim giống 1 tuần tuổi (120.000 đồng/con) về nuôi. Lần này, chị đã nắm chắc kỹ thuật nên việc nuôi chim diễn ra thuận lợi. Đàn chim được chăm sóc chu đáo, tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh đầy đủ nên luôn khỏe mạnh, nhanh lớn. Chị nuôi khoảng 5 tháng thì chim giống bắt đầu đẻ trứng. Số lượng trứng chim đẻ ra đều được chị giữ lại và cho ấp nở để nuôi tăng đàn.
Khi số lượng chim nhiều, chị Huyền bắt đầu tính đầu ra cho sản phẩm. Ngoài rao bán trên các trang mạng uy tín, vợ chồng chị còn đem chim đến trực tiếp các nhà hàng, quán nhậu để chào hàng. “Thời gian đầu, chúng tôi đi chào hàng rất cực khổ, khó khăn vì đường sá đi lại xa xôi; việc di chuyển nhiều khiến chim trĩ bị chết… Tuy nhiên, cũng nhờ chịu khó đi như vầy mà khách hàng biết đến mình ngày càng nhiều hơn. Giờ đây, khách hàng tự đến trang trại mua chim chứ chúng tôi không phải đi nữa”, chị Huyền cho hay.
Ông Phạm Văn Hiệu (ba ruột chị Huyền) phụ giúp con gái trong việc chăm sóc đàn chim trĩ
Theo chị Huyền, chim trĩ nuôi từ khi nở đến lúc xuất bán kéo dài khoảng từ 4 – 5 tháng (1 con chim trống cân nặng khoảng 1,2 – 1,5 kg, chim mái nặng khoảng 1 -1,1kg). Mấy năm gần đây giá cả chim trĩ thương phẩm luôn giữ mức ổn định từ 180.000 đến 200.000 đồng/kg (thương lái mua tại trang trại), thậm chí có thời điểm giá tăng lên 250.000đồng/kg. Còn đối với chim giống, chị bán với giá từ 300.000 – 400.000 đồng/con (tùy theo yêu cầu của khách hàng đặt mua con giống lớn hay nhỏ). Ngoài ra, chị còn lựa trong đàn xem con chim nào đẹp thì chọn ra nuôi bán chim cảnh với giá cao hơn (khoảng 400.000 – 500.000 đồng/con). Một năm, gia đình chị Huyền xuất bán chim làm nhiều đợt và chủ yếu tập trung bán từ tháng 2 đến tháng 5, thời điểm này hàng khan hiếm, có bao nhiêu cũng bán hết.
Theo chị Huyền, chim trĩ là loài động vật hoang dã nên có sức đề kháng cao, ít xảy ra một số bệnh: dịch tả, thương hàn… giống như gà. Tuy nhiên, người nuôi cũng nên tiêm vắc xin đầy đủ theo đúng quy trình để không bị bệnh, đồng thời giúp cho chim khỏe mạnh, chóng lớn. Kỹ thuật nuôi chim trĩ gần giống như nuôi gà nên có thể tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn ở trong nhà như: lúa, gạo, ngô… Đối với chim giống trong giai đoạn đẻ trứng thì cần bổ sung thêm các loại rau xanh như: rau muống, rau lang, chuối băm… để đảm bảo chất dinh dưỡng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Huyền còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim trĩ cho bà con tại địa phương cùng nuôi để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Về dự định trong tương lai, chị Huyền cho biết, chị sẽ tiếp tục mở rộng trang trại, nhân rộng mô hình nuôi chim trĩ để tăng cao thu nhập cho gia đình. Là một mô hình phụ nữ khởi nghiệp làm giàu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trần Văn Lưu.