Năm 2004, chị Dương Thị Thanh Xuân – chủ cơ sở cây giống Hoàng Lâm, nhận thấy nhu cầu cây giống sẽ tăng cao, nên đã quyết định bỏ việc ở Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam Bộ và về mở cơ sở riêng với mong muốn tạo hướng đi riêng.
Nhờ sự trải nghiệm với ngành trước đó cùng vốn kiến thức chuyên môn bài bản, ngay từ đầu, chị Xuân đã đưa ra chiến lược phát triển đúng đắn, biết phát huy thế mạnh về sức mạnh tri thức của nguồn nhân lực, lựa chọn cây giống bố mẹ tốt, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào việc sản xuất, trồng cây đã giúp Hoàng Lâm nhanh chóng vươn lên, khẳng định thương hiệu. Năm đầu tiên khi đi vào hoạt động, Hoàng Lâm có vườn ươm 3000m2, cung ứng ra thị trường hơn 100 ngàn cây giống, thì sau 3 năm, Hoàng Lâm đã vươn lên, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 500 ngàn cây giống các loại.
Cùng với sự phát triển đi lên, Hoàng Lâm không giữ nghề cho riêng mình, mà chị Xuân nhiệt tình chia sẻ, chỉ dẫn cho các hộ dân xung quanh, tận tình hướng dẫn họ cùng làm và thu mua lại cây giống cung ứng cho thị trường, góp phần không nhỏ vào sự phát triển ngành nghề sản xuất tràm giống ở địa phương. Ngoài ra, Hoàng Lâm là một trong số ít cơ sở mạnh dạn đầu tư giống tràm cấy mô với ưu thế khỏe mạnh, lớn nhanh hơn vào sản xuất. Đến nay, ngoài thị trường Vĩnh Cửu thì cây giống Hoàng Lâm đã vươn đến nhiều thị trường xa hơn như: Trảng Bom, Long Khánh, Bình Thuận, Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Bình, Quảng Ngãi…
Thực tế đã chứng minh con đường khởi nghiệp làm giàu chị Xuân đã chọn đi đúng hướng, và Hoàng Lâm cũng đã gặt hái những thành quả nhất định. Trong khi đó, cây trồng rừng lấy gỗ với nhiều ưu điểm như: chu kỳ khai thác ngắn, vừa kinh tế vừa cải tạo đất, thời gian chăm bón ít, dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất, nhu cầu tăng cao do thay thế được cây rừng lấy gỗ… đang là hướng đi thúc đẩy phát triển kinh tế mới, hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh và bền vững trong tương lai. Có thể nói, nhu cầu cây giống còn rất lớn đó chính là mảnh đất tiềm năng để các đơn vị khai thác và khẳng định mình. Hoàng Lâm với sự năng động, tự tạo hướng đi, chuẩn mực, gắn với sự phát triển cộng đồng, hứa hẹn Hoàng Lâm sẽ còn có những bước tiến xa trong tương lai…
Công nhân làm việc tại cơ sở ươm cây giống Hoàng Lâm
Huyện Vĩnh Cửu – Đồng Nai là nơi có thế mạnh về nguồn gỗ trồng rừng khai thác gỗ, ngoài hơn 70 ngàn ha rừng tự nhiên ở khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, thì trong những năm qua, người dân nơi đây đã trồng mới thêm hàng chục ngàn ha rừng phòng hộ hồ thủy điện Trị An cũng như rừng khai thác gỗ, giúp Vĩnh Cửu trở thành vùng nguyên liệu khai thác gỗ trồng cho ngành sản xuất đồ gỗ cũng như sản xuất giấy của Đồng Nai. Từ đây, ngành ươm và sản xuất cây giống lâm nghiệp ở Vĩnh Cửu cũng diễn ra hết sức sôi động, trở thành tiềm lực, động lực mới cho sự phát triển kinh tế của Vĩnh Cửu.
Ngoài ra, cây giống lâm nghiệp nơi đây, nhất là cây tràm với nhiều ưu thế như: thân cao, thẳng, gỗ tốt, ít cành nhánh, độ dẻo cao, khả năng chống chịu bệnh hàng đầu nên ngoài phục vụ nhu cầu trong huyện và tỉnh nhà thì cây giống nơi đây được rất nhiều khách hàng từ các tỉnh khác tìm đến đặt hàng, giúp khẳng định vị thế của ngành nghề sản xuất cây giống ở địa phương.Và những doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực cung cấp cây giống, trồng mới chính là những nhân tố trực tiếp, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của ngành nghề. Là một trong những cơ sở giàu kinh nghiệm, với số lượng lớn tại địa phương, cơ sở Hoàng Lâm được biết đến là địa chỉ uy tín nhất trong việc cung cấp giống ở Vĩnh An, bởi đây là một trong những đơn vị mạnh dạn tiên phong phát triển nghề sản xuất và cung cấp cây giống, sớm khẳng định được uy tín, tên tuổi và chất lượng cây giống ở địa phương. Để có được những thành tựu đó, nhờ vào sự nỗ lực vươn lên và tầm nhìn chiến lược của người phụ nữ có cái tên trẻ mãi không già – Thanh Xuân.
Nguyễn Thị Hạnh.