Lớn lên ở mảnh đất Thanh Bình – nơi điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho cây chuối phát triển, ông Lý Minh Hùng thuộc lớp nông dân tiên phong của Đồng Nai trong đầu tư phát triển nâng cao giá trị cho cây chuối. Với mong muốn ổn định thị trường tiêu thụ và đưa trái chuối đến những thị trường cao cấp hơn, đầu năm 2019, ông Hùng quyết tâm thành lập HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom).
Chia sẻ quan điểm về khởi nghiệp
*Ông quan điểm thế nào về khởi nghiệp và những yếu tố nào giúp khởi nghiệp thành công
Theo tôi khởi nghiệp là có một ý tưởng hữu ích cho xã hội và thuyết phục một số người ủng hộ và cùng triển khai ý tưởng đó; đồng thời sẵn sàng đầu tư một khoản kinh phí và công sức để triển khai một hoạt động kinh doanh. Chính dự án khởi nghiệp mà tôi đang thực hiện là xuất phát từ thực tế nhu cầu cuộc sống đòi hỏi, dự án cũng đã mang lại lợi ích cho những người dân trong vùng, giúp người dân ổn định đầu ra cho trái chuối và nâng cao giá trị cho cây chuối.
Có rất nhiều yếu tố để thúc đẩy khởi nghiệp thành công như phải có sự đam mê, kiến thức về lĩnh vực mình làm, kiên trì và thực sự nghiêm túc trong quá trình triển khai dự án. Trong đó yếu tố kiên trì là quyết định. Một trong những khó khăn thường thấy nhất khi khởi nghiệp là thiếu vốn và đôi khi là thiếu sự ủng hộ của những người xung quanh. Vì vậy, nếu bản thân không đủ kiên trì cố gắng tới cùng, thì rất khó để khởi nghiệp thành công.
* Ông bắt đầu khởi nghiệp từ khi nào?
– Trước đây, gia đình tôi gắn bó với cây hồ tiêu. Tuy nhiên, giá tiêu giảm mạnh, đời sống gặp khó khăn, cây chuối là sự lựa chọn hàng đầu của người dân nơi đây. Gia đình tôi cũng không nằm ngoài guồng quay đó, chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng tiêu sang trồng chuối già hương cấy mô. So với cây tiêu, cây chuối mang lại thu nhập cao hơn do điều kiện thổ nhưỡng, giá cả và thị trường ổn định hơn. Tuy nhiên, vì chủ yếu vẫn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, nên cây chuối khiến người trồng bao phen lao đao vì rớt giá. Trước tình hình đó, năm 2018, tôi cùng một số bà con nơi đây tham gia Tổ hợp tác sản xuất cây chuối xã Thanh Bình nhằm giải quyết một phần khó khăn về giá và đầu ra sản phẩm.
Ngành trồng trọt buộc phải làm chuyên nghiệp, tập trung phát triển theo hướng hữu cơ
* Ông chia sẻ gì với người dân về bài toán đầu tư trong lĩnh vực trồng trọt?
– Yêu cầu đầu tiên là người trồng trọt phải thực sự chuyên nghiệp trong từng bước đầu tư. Điều này càng đúng khi ngành trồng trọt bước vào hội nhập với nhiều khó khăn, thách thức. Người trồng trọt nên sản xuất tuân theo quy luật của thị trường. Xu hướng trồng trọt theo hướng hữu cơ đang được cả thế giới quan tâm. Để xuất được vào các thị trường cao cấp thì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là ưu tiên số 1. Do đó, tôi chọn hướng sản xuất hữu cơ
– Hiện nay, đối với ngành trồng chuối trên địa bàn huyện dù sản lượng tiêu thụ khá ổn định nhưng thị trường chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc, giá trị mang lại chưa cao. Mong muốn của tôi là đưa được trái chuối đến những thị trường cao cấp hơn. Năm 2019, tôi thực hiện chuyển 3 ha chuối của gia đình sang trồng hữu cơ.
* Trồng chuối xuất khẩu theo chuẩn thị trường cao cấp như Nhật Bản, EU, Mỹ, … có dễ không, thưa ông?
– Nghịch lý là nguồn cung ứng trái chuối tươi trên thị trường Việt Nam rất nhiều nhưng đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu lại rất ít. Thực tế, rất nhiều người trồng trọt muốn tham gia thị trường xuất khẩu nhưng không đủ điều kiện. Người trồng trọt phải giỏi kinh nghiệm và đặc biệt là vững vàng về bản lĩnh. Vì để trở thành nhà cung cấp trái cây tươi cho doanh nghiệp xuất khẩu, họ phải chịu được 3 áp lực rất lớn là: đảm bảo về nguồn tài chính; đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng. Trong đó, vấn đề tài chính là một áp lực không nhỏ. Để đạt chuẩn về chất lượng, phải thực hiện những tiêu chuẩn rất khắt khe, nếu không đáp ứng sản phẩm không đạt sẽ bị loại ngay. Điều quan trọng không kém là phải đảm bảo sản xuất ổn định với số lượng lớn. Hiện nay quy trình sản xuất và sơ chế chuối tươi của HTX thực hiện áp dụng các tiêu chuẩn quản lý tiên tiến của thế giới như ISO 22000:2018, FSSC và định hướng thời gian sắp tới để xuất khẩu đi thị trường Trung Đông sẽ áp dụng thêm tiêu chuẩn HALLA cho sản phẩm chuối tươi.
Tận dụng và nâng cao giá trị sản phẩm
* Điều gì thúc đẩy ông đứng ra thành lập Hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình?
– Với nhu cầu của thị trường xuất khẩu thì chỉ một vài trang trại không giải quyết được vấn đề nguồn cung mà phải liên kết rất nhiều thành viên là người trồng trọt, các hợp tác xã và doanh nghiệp… Vì chủ yếu vẫn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, nên cây chuối khiến người trồng bao phen lao đao vì rớt giá. Đầu năm 2017, giá chuối lao dốc đến độ Nhà nước phải kêu gọi giải cứu. Năm 2018, tôi tham gia Tổ hợp tác sản xuất cây chuối xã Thanh Bình. Khi liên kết với doanh nghiệp, giá cả, đầu ra ổn định nên thu nhập cũng bảo đảm. Tuy nhiên, việc liên kết với doanh nghiệp cũng chỉ giúp nông dân giải quyết một phần khó khăn về giá cả và đầu ra sản phẩm. Trong khi đó, việc tận dụng và nâng cao giá trị sản phẩm vốn có vẫn không thể thực hiện được. Chính vì vậy, tôi đã thành lập Hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình vào năm 2019, và tự mình xúc tiến để xuất khẩu chuối tươi sang thị trường Trung Quốc. Mong muốn của tôi là thành lập ra hợp tác xã, kết nối thành hệ thống các trang trại với quy mô lớn đạt cả công suất, chất lượng. Hợp tác xã chính là đầu mối quản lý chặt chẽ để các thành viên cùng thực hiện trồng trọt theo quy trình đạt chuẩn xuất khẩu để giải quyết cả bài toán về chất lượng và số lượng; ổn định thu nhập cho các thành viên.
* Ngoài xuất khẩu trái chuối tươi, Hợp tác xã còn tận dụng thêm gì từ cây chuối?
Hiện nay, HTX đang có 120 ha diện tích chuối canh tác, năng suất bình quân thu hoạch chuối trên 1 ha dao động 45 – 52 tấn quả. Với giá chuối thành phẩm để đưa ra thị trường khoảng 12.000 đồng/kg, HTX đã xuất khẩu sản phẩm qua các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc và thậm chí là Nhật Bản. Với lợi thế vừa xuất khẩu chuối tươi, vừa sản xuất chuối chế biến nên trái chuối của HTX gần như được tận dụng hết và không phải vứt bỏ: Những trái có mẫu mã đẹp thì xuất khẩu tươi, còn trái có hình thức xấu hơn thì chuyển qua làm chuối sấy. Hợp tác xã đã ký hợp đồng cung cấp chuối sấy cho một doanh nghiệp khác. Do đó, ngoài việc bao tiêu cho các thành viên, HTX còn thu mua thêm chuối của người dân trong vùng.
Bên cạnh đó, tôi đã nghiên cứu và thực hiện thành công bẹ chuối cấy mô xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới trong đó có thị trường khó tính như Châu Âu. Điều này không chỉ tận dụng được những bẹ chuối bỏ đi sau thu hoạch mà còn mở ra cơ hội phát triển chuối bền vững cho bà con nông dân.
* Hợp tác xã có mục tiêu gì trong thời gian tới, thưa ông?
Để phục vụ cho hướng sản xuất hữu cơ, mở rộng thị trường tiêu thụ cho trái chuối, HTX hướng dẫn cho nông dân tận dụng các phụ phẩm từ cây chuối để tái sản xuất. HTX đã tận dụng hết sản phẩm chuối trái, riêng vỏ trái chuối sau khi sơ chế cũng được tận dụng ủ làm phân để bón lại cho cây chuối. Ở góc độ người trồng trọt, chúng tôi buộc phải tính toán lại bài toán đầu tư sao cho năng suất trồng trọt phải cao để giảm giá thành; chất lượng phải tốt để có thể cạnh tranh. Vấn đề cần đặt ra là về khâu kiểm soát quá trình canh tác nhằm đảm bảo về chất lượng và an toàn thực phẩm.
HTX đang đẩy mạnh đầu tư, áp dụng công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa vào quá trình chế biến như dây chuyền cấp đông IQF, hệ thống sấy bơm nhiệt quy mô lớn, dây chuyền sấy lạnh phục vụ cho sản xuất tinh bột chuối phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, tận dụng cùi buồng chuối để sản xuất chén, bát… Mong muốn của tôi là làm được một “vòng tròn giá trị” cho cây chuối. Trong “vòng tròn” đó, trái chuối được sử dụng tối đa cho xuất khẩu, chế biến. Phụ phẩm thì được tận dụng để nuôi lại cây chuối cũng như sản xuất các sản phẩm khác.
Mục tiêu của HTX Thanh Bình là tiếp tục mở rộng hệ thống các vườn trồng chuối đáp ứng tốt cả nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Cụ thể hơn là thu hút thêm nhiều trang trại, doanh nghiệp trong ngành trồng trọt tham gia để chuỗi liên kết không ngừng lớn mạnh. Đây cũng là vấn đề lớn và khó giải quyết nhưng tôi không e ngại khi bắt tay vào làm.
Xin cảm ơn ông!
N.T.H