Ông chủ cơ sở làm giống nấm Thanh Thế chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp

Tuy không còn trẻ nhưng quyết định khởi nghiệp của anh Bùi Thế Lân (chủ cơ sở giống nấm Thanh Thế) ở một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ, từ bỏ mức lương đáng mơ ước vì không muốn từ bỏ ước mơ của mình.

Muốn khởi nghiệp phải bước ra khỏi vùng an toàn

28 tuổi, tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, có một công việc ổn định thế nhưng quyết định nghỉ việc làm gia đình bất ngờ. Anh Lân cảm thấy không học hỏi thêm điều gì mới sau khi làm 5 năm ở chức vụ quản lý công ty phân bón. Đó là lúc anh Lân quyết định hướng đi riêng của mình.

Là người yêu thích nông nghiệp, sau khi nghỉ việc, cơ duyên đến với anh sau khi anh tham gia khóa học về nông nghiệp công nghệ nuôi trồng nấm tại Đà Lạt. Sau khi học về, mất 3 tháng tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu thị trường, anh Lân ấp ủ xây dựng một cơ sở riêng về giống nấm ngay tại quê hương mình. Anh nhận thấy khu vực Long Khánh mặc dù tập trung rất nhiều cơ sở làm phôi nhưng cũng rất nhiều cơ sở làm giống, thành lập cơ sở giống ở khu vực này thì không thể nào cạnh tranh lại. Còn khu vực Xuân Lộc cũng có nhiều cơ sở làm phôi nhưng chưa có cơ sở làm giống nào, nếu mình làm sẽ là người đầu tiên ở khu vực này. Qua tiếp xúc thực tế cũng như tìm hiểu nguyện vọng các cơ sở làm phôi muốn có 1 cơ sở làm giống ngay tại địa phương nên anh có ý định mở 1 cơ sở sản xuất giống nấm tại xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc.

Vạn sự khởi đầu nan

“Uh, mày muốn làm gì thì làm” câu nói khiến anh Lân nhớ mãi khi ba của Lân nói có vẻ không tin tưởng khi Lân trình bày ý tưởng thành lập cơ sở giống nấm. Ba của Lân cũng là người làm trong lĩnh vực kinh doanh nên biết thành lập và quản lý một cơ sở mới khó khăn như thế nào. Tuy nhiên vượt qua mọi định kiến ban đầu, đầu năm 2018 anh Lân vẫn xây dựng cơ sở riêng của mình.

Những ngày đầu tiên biết là có khó khăn nhưng không ngờ lại nhiều chuyện phát sinh như thế. Đây là khoảng thời gian áp lực nhất đối với anh. Ngoài phải tìm ra địa điểm xây dựng phù hợp (vì yêu cầu đặc thù của ngành này môi trường phải sạch, tránh xa các nguồn ô nhiễm), nguyên liệu (que mì) phải tìm ở đâu, khách hàng có mua sản phẩm của mình không, thậm chí phải bù lỗ để nuôi nhân công trong vài tháng đầu. Lại thêm, trong quá trình sản xuất anh Lân lại đối mặt với rất nhiều khó khăn, vấn đề phát sinh từ thực tế không có trong quá trình học: cấy giống hay bị nhiễm, bịch giống chết hàng loạt nhưng không tìm ra nguyên nhân làm anh rất chán nản.

Rất may, do có được kiến thức căn bản từ khóa học cũng như sự hỗ trợ kỹ thuật của các thầy anh Lân từng bước xác định ra nguyên nhân, khắc phục từng bước hoàn thiện quy trình, cùng với kinh nghiệm quản lý đã xây dựng cơ sở hoàn thiện trong một thời gian ngắn.

Từ lúc mẻ đầu tiên giao đến tay khách hàng, mỗi ngày trôi qua là những ngày chờ đợi trong hồi hộp. Anh lo lắng vì sản phẩm của mình có tốt không, có được khách hàng chấp nhận không. Sau 1 tháng sử dụng, được phản ánh tốt từ khách hàng đầu tiên anh mạnh dạn giới thiệu sản phẩm tới các khách hàng khác. Hiện tại, anh rất tự hào với những sản phẩm mà mình cung cấp ra thị trường. Các sản phẩm mà anh cung cấp luôn đạt sự ổn định cao về chất lượng,  đảm bảo tỉ lệ hư hỏng bịch phôi thấp hơn các cơ sở khác. Vì vậy, khách hàng mua giống rất an tâm, tin tưởng về giống nấm của cơ sở. Giờ đây doanh thu của cơ sở anh ổn định ở mức 80 triệu đồng mỗi tháng. Trừ đi chi phí, số tiền lãi đã bằng mức lương trước khi anh xin nghỉ việc.

Hình ảnh bịch phôi (lứa giống đầu tiên) tại trại khách hàng

Tuy những kết quả trên chưa phải là điều gì lớn lao, nhưng anh cũng đã chứng minh được nếu có quyết tâm và sự kiên định mọi khó khăn sẽ vượt qua. Điều anh trăn trở là trong quá trình khởi nghiệp, lúc đầu cần nhiều sự hỗ trợ giúp đỡ nhưng về mặt các thông tin khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp thì lại không có.

Anh Lân đang thao tác cấy giống nấm tại cơ sở

Thành công không phải là điểm đến, mà là cả một quá trình

Anh Lân quan niệm trong kinh doanh phải có đạo đức kinh doanh. Đối với ngành giống nấm này, số lượng ngày càng giảm do quy luật cạnh tranh thị trường và cũng một phần các cơ sở làm giống vi phạm đạo đức kinh doanh khiến nhiều cơ sở làm phôi đóng cửa càng khiến anh phải nổ lực nhiều hơn nữa. Mục tiêu này của anh không phải là mỗi tháng bán bao nhiêu bịch giống, thu về bao nhiêu tiền mà là mỗi khi nhìn thấy khách hàng của anh có được lợi nhuận từ ngành này là đã cảm thấy thành công.

Trên mỗi kệ giống đều được ghi ngày sản xuất cụ thể

Ngoài ra, biết là người đi sau nên anh luôn chủ động học hỏi thêm từ những người có kinh nghiệm. Đầu năm 2019 anh đã bỏ 2 tuần gặp trực tiếp các giảng viên tại Học Viên di truyền Việt Nam và Đại học nông nghiệp Hà Nội để có thể trao đổi kinh nghiệm thực tế, cập nhật thêm kiến thức mới về ngành này. Những kiến thức này luôn được anh chia sẻ với những người khác.

Nguyễn Hoàng Tuấn.