Nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao

Để tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cung ứng cho thị trường, thời gian qua, nông dân Đồng Nai nói chung đã ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả, góp phần nâng caothu nhập. Minh chứng rõ nhất cho điều này chính là việc người dân huyện Nhơn Trạch đã từng bước ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm siêu thâm canh thay thế hình thức nuôi tôm truyền thống trước đây.

Nông dân Nhơn Trạch đã chuyển từ nuôi tôm truyền thống sang phương thức nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Nở rộ phong trào nuôi tôm

Đồng Nai với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 8.600 ha, sản lượng mỗi năm là 54.320 tấn, sản lượng tôm nuôi trồng hàng năm đạt gần 7.000 tấn. Trong đó, huyện Nhơn Trạch có hơn 2.000 ha, chiếm gần 24% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Đây là huyện có diện tích nuôi trồng cao nhất trong toàn tỉnh. Hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Nhơn Trạch phát triển mạnh với nhiều hình thức nuôi.

Từng là một cán bộ ngành nông nghiệp xã, năm 2014, anh Nguyễn Huy Bình, ấp bà Trường, xã An Phước (huyện Nhơn Trạch) quyết định xin nghỉ về nhà nuôi tôm. Ban đầu, anh đào ao nuôi tôm theo cách truyền thống là nuôi trong ao đất. Do không áp dụng khoa học kỹ thuật và cũng không có nhiều kinh nghiệm nên mấy vụ liên tiếp anh đều thất bại. Đến năm 2017, sau khi tìm tòi, nghiên cứu tài liệu và tham quan mô hình nuôi tôm thành công của ông Nguyễn Trường Đại, anh đã chuyển sang nuôi tôm lót bạt đáy ao. Nhờ dành thời gian học tập kinh nghiệm xử lý ao nuôi, chọn giống, nguồn thức ăn và cách phòng trừ bệnh cho tôm nên kết quả khá hơn.

Việc tổ chức ao nuôi với quy mô nhỏ giúp anh quản lý và kiểm soát tốt hơn từ khâu cho ăn đến khâu vệ sinh và xử lý dịch bệnh. Với quy trình nuôi này, con tôm phát triển khỏe mạnh, giúp giảm hao hụt trong quá trình nuôi. Nhờ vậy, kết quả trong vụ năm 2019, với ao nuôi 1.500 m2, anh có thể thu được 10 tấn tôm thẻ chân trắng, giá bán trung bình 170 ngàn đồng một kg khoảng 30 con.

“Tuy chỉ mới áp dụng nuôi tôm lót bạt đáy ao từ 3 năm nay, nhưng 3 ao tôm với diện tích 5.000m2 đã mang về cho tôi nguồn thu nhập mỗi năm vài tỷ đồng, sau khi trừ chi phí”, anh Bình cho hay.

Chuyển từ nuôi truyền thống sang nuôi siêu thâm canh công nghệ cao

Ông Nguyễn Trí Hiền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Nhơn Trạch phát triển mạnh với các hình thức nuôi được chuyển đổi dần từ nuôi quảng canh hoặc quảng canh cải tiến lên bán thâm canh và thâm canh. Đặc biệt, hiện nay, nhiều nông dân có xu hướng chuyển dần từ nuôi tôm thâm canh bằng ao đất sang hình thức nuôi siêu thâm canh bằng ao lót bạt.

Để giảm rủi ro với cách nuôi phụ thuộc tự nhiên, nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm, người dân đã dần chuyển đổi từ cách nuôi truyền thống sang việc ứng dụng công nghệ cao để phát triển bền vững.

Mô hình này đang phát triển khá mạnh và giúp nhiều người dân địa phương làm giàu. Theo kinh nghiệm của người nuôi, việc nuôi tôm bằng hình thức lót bạt sẽ cho chất lượng và năng suất cao.

Trước đây, khi nuôi theo mô hình truyền thống bằng ao đất toàn bộ diện tích mặt nước đều được bà con sử dụng làm ao nuôi. Tuy nhiên, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ngoài một phần diện tích ao nuôi và ao ương để nuôi tôm hậu bị, phần lớn diện tích còn lại được ưu tiên dành cho khu xử lý nước đầu vào và chất thải ra hàng ngày từ ao nuôi.

Ao nuôi được che bằng lưới xanh, giúp điều chỉnh nhiệt độ ao nuôi phù hợp để tôm phát triển.

Tại ao nuôi, bà con sử dụng bạt nilon lót đáy và lưới lan che phía trên không  gian ao. Việc sử dụng lưới che để làm giảm nhiệt độ ao nuôi, do lưới đã hấp thu bớt một phần nhiệt độ từ ánh nắng mặt trời giúp ao nuôi luôn được đảm bảo nhiệt độ ở mức lý tưởng cho tôm phát triển. Nhờ lưới che, ao cũng tránh được ánh nắng trực tiếp, hạn chế được sự phát triển của các loại tảo ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của con tôm. Mặt khác, việc lót bạt ở đáy ao có thể cho phép thả tôm với mật độ đến 200 con/m2, gấp 4 lần so với ao cũ nên năng suất tôm thu hoạch cũng tăng gấp nhiều lần. Thêm nữa, với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, người nuôi có thể tăng lên 3-4 vụ/năm chứ không chỉ làm được 2 vụ như trước.

Hiểu được lợi ích kinh tế của việc nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao mang lại, nhiều bà con đã mạnh dạn đầu tư và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nhân rộng mô hình

Hiện nay, với sản lượng vượt trội, tỷ lệ thành công cao đang khiến cho diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tăng nhanh. Từ đó đã tạo ra bước đột phá mới, mở ra nhiều triển vọng cho ngành tôm. Tuy nhiên, loại hình nuôi này đòi hỏi người chăn nuôi phải có kỹ thuật cao, cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật thường xuyên, liên tục để đảm bảo thành công trong sản xuất.

Từ thực tế trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với huyện Nhơn Trạch tổ chức nhiều buổi hội thảo nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng như chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật của người chăn nuôi tôm. Đây là dịp để nông dân tìm hiểu về hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để từ đó nhân rộng mô hình.

Để đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản, huyện Nhơn Trạch đã được tỉnh đầu tư về hạ tầng như đường giao thông, điện sản xuất… cho các vùng nuôi thủy sản tập trung. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mở rộng diện tích, tăng cường đầu tư, giảm chi phí trong việc tổ chức sản xuất.

Theo ông Nguyễn Trí Hiền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, hiện tỉnh đang có nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi, giúp người nuôi trồng thủy sản có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động nuôi trồng, nâng cao giá trị kinh tế.

Hiện tại, với gần 2.000 ha mặt nước, nuôi thủy sản được xác định là thế mạnh của Nhơn Trạch. Những năm qua, huyện đã tích cực hỗ trợ, đẩy mạnh chuyển giao và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản mới tăng hàm lượng khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

K.N