NUÔI CÁ LẬP NGHIỆP

Yêu thích cá rồng rồi trở thành đam mê, cho tới khi thử sức và thành công nuôi cá rồng sinh sản. Đó là câu chuyện về cái duyên với loài cá “đế vương” của Trần Thanh Nghị, chàng trai sinh năm 1989 với trang trại cá rồng ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Vào khoảng năm 1995, một người bạn tặng cho bố anh một con thuộc loại kim long hồng vĩ, lúc ấy cũng chẳng biết con cá quý đến mức nào, chỉ nghe bố mẹ bảo có giá bằng 2 chiếc xe tải. Nhưng với cậu bé hơn 6 tuổi, ấn tượng lúc đó chỉ là một loài cá lạ và đẹp, đẹp hơn những loài cá cảnh cậu thường được nhìn thấy.

Học quản trị kinh doanh nhưng chàng trai sinh năm 1989 Trần Thanh Nghị lại chọn làm trong ngành bất động sản. Sau Nghị lại xuất ngoại học về ẩm thực tại Malaysia, một trong những xứ sở nổi tiếng về sản xuất giống cá rồng. Những năm du học là khoảng thời gian anh có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về loài cá vua này. Đây cũng là mối duyên để sau này Nghị chọn khởi nghiệp với nghề nuôi cá rồng.

Trước đây, chỉ những “đại gia” mới đủ điều kiện để chơi cá rồng và họ thường thuộc lớp người khá đứng tuổi. Vì loài cá này có giá trị cao và để đầu tư một bể nuôi cá này cũng rất lắm công phu, tốn kém.

Ban đầu, Nghị cũng chỉ là người chơi cá rồng. Con cá đầu tiên anh nuôi là một con thanh long. Rồi đàn cá kiểng của Nghị cứ tăng dần lên hàng chục đến cả trăm con. Theo Nghị, cá rồng là loài có rất nhiều điểm đặc sắc, từ ngoại hình, cách chúng bơi, màu sắc… đòi hỏi người nuôi phải luôn tìm hiểu. “Những loài thú cưng khác đều có bác sĩ thú y mỗi khi chúng gặp vấn đề về sức khỏe. Nhưng cá thì không, người nuôi luôn phải tự giải quyết. Và kinh nghiệm là những điều đến từ sự mất mát. Đó có lẽ cũng là một lực hấp dẫn của dòng cá này đối với tôi” – Nghị chia sẻ.

Cá rồng còn có một thần thái riêng ấn tượng mạnh với người xem; nó cũng biết bày tỏ sự quấn quýt, quyến luyến với người nuôi. Nó có thân dài uyển chuyển, lớp vảy giống như bộ kim giáp với nét đặc sắc riêng theo từng dòng cá và sợi râu trông giống như sừng rồng nên nhiều người ví von đây là hóa thân của rồng. Theo quan niệm phương Đông, đây là loài cá phong thủy lý tưởng nhất, kỳ vọng có thể đem đến mọi điều thuận hoà, may mắn cho người sở hữu chúng – linh vật mang đến tài lộc, sự vẻ vang, giữ bình yên cho gia đình…

cá kim long.jpeg

Hiện nay, cá rồng thiên nhiên còn rất ít, đa số cá nuôi làm cảnh đều là thế hệ F2. Việc lai tạo giống cá này không dễ và hầu như cá rồng nuôi cảnh tại Việt Nam đều từ nguồn nhập khẩu. Nhưng Nghị đã mạnh dạn thử nghiệm nhân giống một số dòng cá rồng ngay trong trang trại nhỏ tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom).

Nghị chia sẻ: “Cá nuôi trên bể kính thường gặp phải một số lỗi làm cho cá bị giảm giá trị. Tôi nghĩ đến việc tạo môi trường tự nhiên cho đàn cá cảnh của mình sinh trưởng và phát triển”. Qua tìm hiểu, Nghị thấy có những thông tin về dòng cá rồng đã tồn tại ở Việt Nam là ở lưu vực sông La Ngà, Trị An của Đồng Nai hoặc xuất hiện rải rác tại vùng thượng nguồn Vườn Quốc gia Cát Tiên. Nguồn nước chảy ra từ những mạch ngầm trên đất Trảng Bom khá tương tự nguồn nước sông thiên nhiên. Cá rồng là loài cá nhiệt đới nên thích hợp sống trong nước có nhiệt độ khoảng 30 °C. Nghị đã đo nhiệt độ nước để biết về sự thay đổi độ ấm – lạnh giữa ngày và đêm, giữa các mùa trong năm không quá cao nên khá phù hợp cho cá rồng sinh sống.

Nghị lập trang trại xanh trên diện tích đất rộng 7,5 hécta xưa là khu mỏ khai thác đá. Ngoài 2 hécta ao nuôi cá, anh cho phủ xanh đất trống bởi cây ăn trái, cây gỗ lâu năm để tạo tiểu khí hậu xanh mát quanh năm.

Sau một thời gian mày mò tìm hiểu, Nghị thả các loài cá rồng trong ao nuôi chung với một số loài cá thịt. Theo Nghị: “Nuôi xen canh giữa cá kiểng và cá thịt trong ao có sự chọn lọc kỹ về tập tính của từng loài có nhiều lợi thế. Cá thịt giúp làm sạch nguồn nước tạo môi trường tốt hơn cho cá kiểng sinh trưởng. Người nuôi lại có 2 nguồn thu trên cùng 1 diện tích mặt ao”.

Ban đầu mục tiêu của anh là thả cá vào ao nuôi, đạt size lớn rồi bán vì loài cá rồng thuộc loại khó tính trong sinh sản. Nhưng sau 4 năm thả cá rồng vào ao thiên nhiên, khoảng 4 tháng gần đây, ao cá của Nghị đã thấy xuất hiện những lứa cá rồng nhỏ. Điều này chứng minh cho việc có thể sản xuất con giống cá rồng ở Việt Nam chứ không chỉ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu như trước. Anh tính đến chuyện mở rộng đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất giống cá quý này cung cấp ra thị trường.

Hiện Nghị đang sở hữu ao cá với hàng trăm con cá bố mẹ thuộc nhiều dòng như: Huyết Long, Kim Long Quá Bối (Crossback), Cao Lưng (Highback) và Ngân Long. Nhiều bạn mê cá rồng đã tìm về tận trang trại của Nghị và họ thành hội bạn trẻ chơi cá rồng, kết nối với nhau bằng niềm đam mê. Vì với họ, ngắm lưng cá rồng vẫy vùng trong ao sâu nước cả thú vị hơn nhiều khi ngắm loài cá này bơi ngang trong bể kiếng. Theo Nghị, phong trào nuôi cá rồng ở Việt Nam đang dần trẻ hóa. Người trẻ hiện nay chơi rất nhiều, rất mê loài cá này. Tiềm năng thị trường của cá rồng còn rất lớn không chỉ với người chơi trong nước mà cả ở thị trường xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội tiềm  năng cho người trẻ khởi nghiệp khi đam mê giống cá “đế vương” này.

Nguyễn Thị Hạnh.