Nông dân Nguyễn Đình Thao: Mạnh dạn đổi mới kỹ thuật trong lao động, sản xuất với mô hình tưới nước nhỏ giọt

Thời gian qua, với việc ứng dụng và nhân rộng công nghệ tưới tiết kiệm nước theo hướng công nghệ cao trên địa bàn xã Phú Lợi (huyện Định Quán) đã mang lại kết quả rõ rệt. Mô hình này giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm lượng nước tưới, giảm công lao động… mở ra cách làm mới để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, tiết kiệm nguồn nước tưới và công lao động. Trong đó, nông dân Nguyễn Đình Thao là người đi tiên phong tại địa phương áp dụng mô hình này.

Áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp nhà vườn nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hệ thống tưới nhỏ giọt – một hình thức tưới đang được ứng dụng rất phổ biến tại Việt Nam hiện nay, giúp các nhà vườn có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian và lượng nước tưới cho cây trồng, đặc biệt là đối với các khu vực thường xuyên thiếu nước vào mùa khô.

Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật tại xã, anh Nguyễn Đình Thao đã lắp một hệ thống tưới cây nhỏ giọt tự động cho khu vườn rau và cây ăn trái của gia đình.

“Tưới nhỏ giọt mang lại rất nhiều lợi ích như: phù hợp hầu hết các loại cây trồng; tiết kiệm tối đa lượng nước; hệ thống tự động bật/tắt theo chế độ thời gian phù hợp…”, anh Thao chia sẻ.

Ngoài ra, phương pháp tưới thông minh này còn giúp nhà nông có thể tính toán được một cách chính xác lượng nước để tưới theo nhu cầu của cây trồng. Đặc biệt là giúp tiết kiệm khoảng 80% lượng nước tưới so với hình thức tưới nước thủ công truyền thống.

Anh Nguyễn Đình Thao cho biết, hệ thống tưới nước thông minh này là một mạng lưới gồm nhiều thiết bị: Timer hẹn giờ điều khiển tưới tự động, ống dẫn nước, bộ lọc nước, béc tưới cây nhỏ giọt, co nối ống, máy bơm… được gắn kết với nhau để tạo thành 1 hệ thống tưới hoàn chỉnh.

“Nước được cung cấp trực tiếp tới gốc cây, giúp cây dễ dàng thấm sâu và hấp thụ, không bị thất thoát, bốc hơi. Ngoài ra, phân bón được hòa lẫn vào nước và cho vào bình chứa, sau đó tưới trực tiếp cho cây. Nhờ vậy, hạn chế được tình trạng phân bón rơi vãi, gây lãng phí cho người nông dân. Mặt khác, tưới nhỏ giọt giúp giảm nhân công lao động phun, tưới cây. Từ đó, giúp tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích”, anh Thao cho hay.

Toàn bộ vườn cây nhà anh Thao đều được áp dụng hệ thống tưới nhỏ gitj.

Theo anh Thao, khác với phương pháp tưới truyền thống hoặc tưới phun là chỉ làm ướt phần đất quanh khu vực bộ rễ cây, phương pháp tưới nhỏ giọt tập trung vào phần gốc cây nên tiết kiệm tối đa nguồn nước tưới. Thời gian tưới nhanh hơn so với cách truyền thống.

“Với diện tích vườn hiện tại của gia đình, chỉ cần 1 người là có thể vừa bơm nước, vừa bón phân, mỗi lần chỉ mất 2 giờ. Trong khi trước đây phải mất từ 1,5 đến 2 ngày. Lượng phân bón được pha với nước nên giảm khoảng 30% so với cách bón phân truyền thống, tổng kinh phí để lắp đặt mô hình là 50 triệu đồng.

“Mặc dù chi phí đầu tư theo phương pháp tưới nhỏ giọt khá cao, song hiệu quả mang lại không nhỏ trong điều kiện thời tiết biến đổi thất thường và thiếu nhân công lao động như hiện nay. Mỗi tuần, tưới 2 lần, thời gian tưới từ 1 giờ đến 1 giờ 30 phút. Nếu tính giá điện như hiện nay, bình quân mỗi lần tưới tốn chi phí khoảng 3.000 đồng. Nước ngấm sâu, đều khu vực rễ cây, tạo điều kiện cho rễ hấp thụ chất dinh dưỡng nên cây sinh trưởng và phát triển tốt”, anh Thao phấn khởi nói.

Hà My