Nông dân Đồng Nai: Vươn lên khởi nghiệp làm giàu

Mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thay đổi tư duy canh tác, sản xuất và kinh doanh đã giúp nhiều nông dân, HTX ở Đồng Nai vươn lên làm giàu chính đáng. Trong số đó, không ít người đã trở thành những “tỷ phú nông dân” làm giàu cho bản thân và hỗ trợ nhiều nông dân khác. Phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp từ các sản vật địa phương đang nhận được nhiều sự hỗ trợ của địa phương và các cấp hội.

Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến, xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) giới thiệu mô hình trồng 2 vụ lúa, 1 vụ bắp.

Lựa chọn mô hình phù hợp

Sau gần 10 năm lựa chọn khởi nghiệp với mô hình HTX, phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ chất lượng cao, ông Trần Quang nay đã là một trong những tỷ phú nông dân có tiếng ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Năm 2022, ông được bình chọn là “nông dân Việt Nam xuất sắc”. Ông Quang chia sẻ, năm 2014, sau nhiều năm tự thân vận động, có những thành công ngoài mong đợi, ông quyết định thành lập HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến để vừa chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, vừa tạo mô hình liên kết để nâng cao năng lực sản xuất.

Nhờ những đường hướng phát triển đúng đắn, HTX Xuân Tiến hiện có hàng trăm thành viên và hộ liên kết, triển khai canh tác trên tổng diện tích hơn 150 ha. 100% diện tích được áp dụng các giống mới, năng suất cao, chủ lực là giống lúa ST24 lừng danh khắp thế giới.

Bên cạnh sử dụng giống chất lượng cao, để gia tăng sức cạnh tranh, ông Quang cùng các thành viên HTX đã chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa, đầu tư hoàn thiện hệ thống máy sấy lúa, máy xay gạo, gieo hạt, máy thu hoạch cho ra hạt bắp, lúa ngay trên cánh đồng, góp phần giảm chi phí nhân công.

Nhờ sản xuất khoa học, hiện mỗi năm HTX Xuân Tiến trồng 2 vụ lúa, 1 vụ bắp. Trong đó, vụ bắp sẽ xuống giống vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 kéo dài đến cuối tháng 2 năm sau sẽ thu hoạch. Sau đó sẽ làm liên tiếp 2 vụ lúa. Doanh thu bình quân đạt 200-300 triệu đồng/ha/năm.

Với thế mạnh là vùng trồng chuối lớn nhất của tỉnh, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình, xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) lựa chọn mô hình liên kết trồng chuối xuất khẩu để khởi nghiệp. Hiện HTX đang có diện tích khoảng 120ha xuất khẩu đi Trung Quốc, Hàn Quốc… Để nâng cao giá trị sản xuất, thời gian qua, người trồng chuối nơi đây đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa. Đến nay, trên 90% diện tích chuối trên địa bàn huyện được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, 100% diện tích chuối xuất khẩu được bao buồng.

“Hiện nay, HTX đã tổ chức trồng chuối sạch theo quy trình khép kín với chất thải hữu cơ trong sản xuất được tận dụng làm phân bón lại cho vườn chuối. Ngoài xuất khẩu trái chuối tươi, HTX còn đầu tư nhà sơ chế, chế biến cùng hệ thống dây chuyền thu hoạch chuối, máy chế biến nông sản khô, máy chế biến dẻo các loại nông sản, hệ thống kho lạnh để làm sản phẩm chế biến từ chuối…”, Giám đốc HTX Lý Minh Hùng chia sẻ.

Có thể thấy, điểm chung của các mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao ở Đồng Nai là các sản phẩm sản xuất ra theo hướng sạch, áp dụng quy trình GAP, năng suất cao. Các mô hình gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến, đảm bảo môi trường sinh thái.

Theo Hội Nông dân tỉnh, thông qua việc thực hiện đề án “Nâng cao vai trò Hội nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2020 – 2025”, Đồng Nai xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cho thu nhập từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng/năm. Hàng năm, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân được bổ sung 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, tập trung hỗ trợ cho các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Hội Nông dân tỉnh cũng tăng cường các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, khởi nghiệp cho hàng chục ngàn lượt hội viên nông dân.

Không chỉ xuất khẩu chuối tươi, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (H.Trảng Bom) còn tận dụng thân cây chuối để sản xuất các mặt hàng gia dụng.

Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân khởi nghiệp

Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hồ Thị Sự cho biết, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giúp nông dân khởi nghiệp bằng nhiều mô hình hay; Các cấp hội thường xuyên tư vấn cho hội viên, nông dân phương hướng sản xuất kinh doanh; lựa chọn các loại cây, con chủ lực theo quy hoạch để phát huy thế mạnh; phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo nghề nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hội viên nông dân khi bắt đầu khởi nghiệp; cung cấp các kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh… Các dịch vụ hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất cũng ngày càng được quan tâm đầu tư như: Vật tư nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, kết nối thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt là việc hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cần thiết từ Quỹ hỗ trợ nông dân và các ngân hàng, giúp nông dân có vốn khởi nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ…

Để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 40 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều có hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình sản xuất thông thường từ 2-3 lần. Điển hình, sầu riêng có 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao với diện tích 706 ha, thu lợi nhuận cao từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Về lĩnh vực thủy sản, công nghệ cao giúp giá trị sử dụng đất đạt bình quân trên 450 triệu đồng/ha/năm…

Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp và lập nghiệp từ các sản vật địa phương. Tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, phục vụ cho xuất khẩu. Các chính sách hỗ trợ cho nông dân, HTX, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu cũng sẽ được đẩy mạnh…

T.Cảnh