Những nghệ nhân đưa các sản phẩm gỗ mỹ nghệ vươn xa

Xuân Lộc là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhưng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp như gỗ mỹ nghệ cũng có thế mạnh nhất định. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 30 cơ sở lớn nhỏ đang hoạt động trên lĩnh vực này. Nhiều cơ sở đã được thành lập hàng chục năm nay và không ít cơ sở đã truyền nghề sang thế hệ thứ 2, thứ 3. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, đến nay hàng trăm sản phẩm gỗ mỹ nghệ đặc sắc đã có mặt trên thị trường và vươn ra xuất khẩu.

Nhờ đôi bàn tay khéo léo của người thợ, hàng trăm sản phẩm gỗ mỹ nghệ đã vươn ra thị trường thế giới.

Làm theo thị hiếu của khách hàng

Đã mấy chục năm nay, chế tác gỗ mỹ nghệ ở Xuân Lộc đã là nghề của nhiều lớp thợ, có lẽ nghề này hình thành từ những ngày khai hoang vùng đất này. Nghề này vốn dựa trên hình thế của gốc rễ cây tự nhiên, kết hợp với khả năng sáng tạo của người thợ mỹ nghệ để tạo ra các vật dụng sinh hoạt độc, lạ. Với khoảng 30 cơ sở mộc mỹ nghệ thuộc các xã Xuân Hòa, Xuân Tâm và nằm dọc quốc lộ 1A, nên sản phẩm mộc mỹ nghệ Xuân Lộc trước đây cũng dễ dàng đi xa hơn, đến nhiều vùng, miền cả nước.

Gắn bó với nghề gỗ mỹ nghệ gần 30 năm nay, thế nhưng nghệ nhân Đào Thiện Hùng, Chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Thiện Hùng (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) cũng đã thay đổi để đáp ứng thị hiếu của khách hàng bằng những sản phẩm độc đáo và mới lạ hơn. Ông nhớ lại, thời vàng son của nghề gỗ mỹ nghệ cách nay khoảng hơn mười năm về trước. Khi đó, người làm nghề chưa nhiều, sản phẩm còn lạ lẩm nên làm ra hầu hết được tiêu thụ với giá thành khá cao. Vài năm trở lại đây, sản phẩm gỗ mỹ nghệ ngày càng đa dạng và phong phú, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn nên các đầu ra vì thế cũng gặp khó khăn.

Trước kia, nguồn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm gỗ mỹ nghệ khá nhiều, nhưng vài năm lại đây nguồn cung đã trở nên khan hiếm. Các cơ sở chế tác buộc phải quay sang sử dụng thêm một số nguyên liệu rừng trồng như gốc cây xà cừ, tràm, mít để phục vụ sản xuất.

Để mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm gỗ mỹ nghệ, hai người con của nghệ nhân Hùng đã đem nghề gỗ mỹ nghệ của cha ông đến các tỉnh Tây nguyên để lập nghiệp. Bản thân nghệ nhân Hùng cũng đã tìm tòi, nỗ lực để đưa sản phẩm mới, lạ đến với khách hàng của mình.

Mộc mỹ nghệ dựa trên hình dáng của gốc, rễ cây tự nhiên, không theo thước tấc, khuôn mẫu. Do vậy, mỗi sản phẩm đều có nét riêng, không cái nào giống cái nào. Mộc mỹ nghệ ở Xuân Lộc hiện theo hai loại hình chính đó là chế tác vật dụng mỹ nghệ và điêu khắc tượng mỹ nghệ. Dù loại hình gì đi nữa, mộc mỹ nghệ Xuân Lộc cũng đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng, không lẫn với mộc mỹ nghệ nơi khác. Dù vậy, mộc mỹ nghệ Xuân Lộc đang vấp phải khó khăn trên chặng đường phát triển dù ít nhiều đã được chính quyền địa phương hỗ trợ, cũng như sự nỗ lực tự thân vươn lên của các cơ sở.

Nghề gỗ mỹ nghệ đã mang lại nguồn thu lớn cho người dân.

Thị trường đầu ra ngày càng bó hẹp, để bán được hàng đòi hỏi mỗi cơ sở phải chủ động tìm kiếm thị trường. Các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh được ngành công thương tổ chức có thể là cơ hội để các cơ sở mộc có điều kiện tìm kiếm khách hàng mới cho mình. Sở Công thương mà cụ thể là Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai bằng nhiều hình thức đã tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng cho các cơ sở có điều kiện tham gia.

Đưa các sản phẩm vươn xa

Xuân Lộc là nơi hội tụ của những người thợ giỏi nghề không chỉ là cư dân địa phương mà còn thu hút được các thợ giỏi nghề từ miền bắc, miền trung tìm vào lập nghiệp. Không chỉ có nghề gỗ mỹ nghệ, huyện Xuân Lộc còn là nơi phát triển mạnh các sản phẩm gỗ dân dụng. Từ nguồn nhân lực có tay nghề cao này mà những năm gần đây, các cơ sở sản xuất gỗ dân dụng đã phát triển mạnh, điều này không chỉ góp phần giải quyết việc làm mà còn tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Vốn là một cơ sở sản xuất mộc truyền thống của gia đình với gần 30 năm làm nghề, thế nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, Cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp Trung Hiếu, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc đã không ngừng mở rộng sản xuất và phát triển. Từ một cơ sở sản xuất hộ gia đình, sử dụng lao đồng trong gia đình là chủ yếu. Đến nay, cơ sở đồ gỗ Trung Hiếu đang giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 9 đến 12 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù chị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, song đơn hàng từ những khách hàng vẫn khá đều đặn. Khách hàng cũ vốn là những chủ thầu xây dựng các khu du lịch, chung cư, công trình cao tầng từ TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành lân cận.

Chị Lê Thị Diễm Hương, Chủ cơ sở đồ gỗ cao cấp Trung Hiếu cho hay, năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tuy nhiên để mở rộng sản xuất, chủ cơ sở tiếp tục đầu tư thêm máy móc, đẩy mạnh đàm phán với khách hàng, nhất là những khách hàng mới, tiềm năng nhằm đưa sản phẩm vươn xa hơn, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.

Theo Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Xuân Lộc, để hỗ trợ các cơ sản xuất các mặt hàng từ gỗ nói chung, ngoài chính sách chung, địa phương cũng hỗ trợ các cơ sở tham gia các chương trình khuyến công như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc vào sản xuất; Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Nghệ nhân – thợ giỏi, người có công đưa nghề vào địa phương. Từ đó góp phần đưa nghề gỗ của huyện phát triển nhanh và bền vững, qua đó góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

T.C