Những mô hình khởi nghiệp làm giàu của Hội viên phụ nữ

Thông qua phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, ngày càng xuất hiện nhiều hội viên, phụ nữ sáng tạo, chịu khó vượt lên làm giàu chính đáng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, các chị còn tích cực tham gia công tác xã hội, hỗ trợ tích cực cho phòng trào công tác Hội tại địa phương.

* Làm giàu nhờ cây chôm chôm

Với tinh thần không ngừng học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ cách đây hơn 10 năm, chị Trang cùng gia đình đã nổi danh ở Bàu Trâm (Tp. Long Khánh) nhờ biết biến bất lợi của thiên nhiên thành điều kiện thuận lợi buộc cây chôm chôm cho giá trị kinh tế cao hơn thường lệ.

Nhiều chị em phụ nữ đã vươn lên làm giàu. Mô hình nuôi gà phát triển kinh tế gia đình trong hội viên phụ nữ tỉnh.

Chị Trang cho hay, đất đai ở đây chủ yếu là đất đá, khô cằn nên cây chôm chôm là cây trồng truyền thống của vùng đất Bàu Trâm. Với diện tích đất vườn lên đến hơn 13.000 m2 nhưng do trước kia chủ yếu trồng và thu hoạch theo phương thức truyền thống, phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên nên hiệu quả cây chôm chôm không cao. Khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương khiến chị cứ nơi nào có mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả là lại khăn gói lặn lội đến học hỏi kinh nghiệm. Nhờ tinh thần ấy, chị Trang đã biến vườn chôm chôm của gia đình mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhờ tận dụng lợi thế và áp dụng kỹ thuật bắt cây ra hoa sớm. Đất đai khô cằn rất thuận lợi trong việc ép nước trong quá trình xử lý kỹ thuật cho cây chôm chôm ra hoa sớm, chị Trang cho hay. Đặc biệt, sau khi xử lý kỹ thuật này thành công, chị Trang không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm với nhiều hộ gia đình xung quanh, để cùng nâng cao giá trị cây chôm chôm, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay, mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Trang là địa chỉ tin cậy để hội viên phụ nữ và nông dân trong vùng tham quan, học hỏi kinh nghiệm

Kinh tế gia đình ổn định cũng là điều kiện thuận lợi để chị Trang tích cực tham gia nhiều hoạt động công tác xã hội tại địa phương. Nhận thấy con đường trong ấp đi lại khó khăn, mùa mưa thì lầy lội còn mùa nắng thì bụi đường. Chị Trang cùng gia đình đã vận động bà con trong ấp tham gia đóng góp trên tinh thần tự nguyện để cùng làm đường. Sau khi tính toán, kinh phí bê tông hóa con đường dài 300m của ấp hết trên 100 triệu đồng thì riêng gia đình chị Trang đóng góp 45 triệu đồng và hơn 600 m2 đất. Nở nụ cười nồng hậu khi nhắc đến việc đóng góp làm đường, chị Trang cho rằng, đó cũng là việc bình thường, là trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương, nơi mình sinh sống.

* Khởi nghiệp với từ phế thải

Từ Thanh Hóa vào Đồng Nai lập nghiệp, những ngày đầu, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Trang, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) gặp không ít cơ cực. Khát khao thoát khỏi đói nghèo luôn thôi thúc chị tìm phương cách làm kinh tế phù hợp cho gia đình. Sau nhiều ngày trăn trở, nhận thấy khu vực xã Sông Trầu là địa bàn có nhiều gia đình làm kinh tế bằng nấm mèo. Sau khi thu hoạch nấm, lượng bọc thải ra rất nhiều nên chị quyết định thu gom loại rác thải này để bán kiếm lời. Vừa có thu nhập, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường, chị Trang cho hay.

Trong quá trình gom bọc phế thải bán cho các cơ sở thu gom phế liệu tại TPHCM, bằng tinh thần chịu khó, sáng tạo, chị còn lén học hỏi kỹ thuật tái chế rác thải rồi về đầu tư mở cơ sở tái chế thành hạt nhựa tại nhà. Tuy nhiên, khó khăn vốn ban đầu khiến ý tưởng này của chị Trang không thể thực hiện. Đầu những năm 2000, được vận động tham gia công tác Hội phụ nữ tại địa phương, chị mạnh dạn đề xuất và được Hội LHPN xã đồng ý hỗ trợ vốn sản xuất 15 triệu đồng. “Số vốn này tuy nhỏ nhưng với người đang không biết tìm nguồn vốn ở đâu thì sự hỗ trợ kịp thời của tổ chức Hội quả là vô cùng ý nghĩa. Nó đã giúp tôi biến ý tưởng làm giàu thành sự thật”, chị Trang bày tỏ. So với việc bán bọc phế thải nguyên liệu thì sau tái chế thành hạt nhựa, hiệu quả buôn bán cao hơn rất nhiều, vì vậy, với đồng vốn được hỗ trợ vay ưu đãi lãi suất, chị đầu tư máy móc và nhanh chóng ổn định sản xuất. Ngay từ năm 2004, cơ sở tái chế hạt nhựa của chị Trang đã tạo việc làm ổn định cho hơn 10 hội viên phụ nữ với thu nhập 150 ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên, nhận thấy việc tái chế bằng máy móc cũ, lạc hậu, vẫn còn phải làm thủ công nhiều khiến năng suất lao động cũng như chất lượng hạt nhựa không cao nên dưới sự bảo trợ của tổ chức Hội, chị mạnh dạn vay thêm vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư thêm máy mọc hiện đại.

Hiện nay, cơ sở tái chế hạt nhựa của chị Trang đang hoạt động ổn định với thu nhập 200 – 300 triệu mỗi năm. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm cho 15 – 20 hội viên phụ nữ nghèo cùng một số thanh niên sau khi hoàn thành thi hành án trên địa bàn xã Sông Trầu với thu nhâp từ 3 triệu đồng/tháng. Không chỉ vươn lên làm kinh tế giỏi, chị Trang còn được hội viên, phụ nữ trong xã uy tín bầu giữ chức Chủ tịch Hội phu nữ xã.

Thanh An