Người nuôi gà ta thành công nhất vùng

Tại vùng đất Bình Sơn (huyện Long Thành), nơi được mệnh danh là “thủ phủ gà ta” của khu vực Nam bộ, có nhiều hộ gia đình đã gắn bó với nghề nuôi gà từ vài chục năm nay và giàu lên từ con gà ta. Tuy nhiên, trong số đó có một người tuy “tuổi nghề” thuộc dạng còn khá non trẻ, nhưng hiện tại hệ thống trang trại của anh được đánh giá thuộc dạng lớn nhất trong vùng. Đó là anh Lê Duẩn, ông chủ của 7 trại gà có quy mô khoảng 50.000 con.

Anh Duẩn bên trang trại gà của gia đình.

Xuất thân từ tỉnh Quảng Ngãi vào vùng đất Bình Sơn lập nghiệp từ những năm 80. Trước đây anh Duẩn cũng từng làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống và có nuôi gà với số lượng khá ít. Công việc nuôi gà ta thả vườn theo quy mô trang trại lớn cũng chỉ mới được anh thực hiện cách đây khoảng 7 năm.

Theo anh Duẩn, trước đây do chưa nắm bắt được kỹ thuật nuôi cũng như cách thức phòng trị bệnh nên gà rất dễ bị bệnh, nhất là mỗi khi thời tiết chuyển mùa. Do vậy, gia đình chưa dám mở rộng sản xuất. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp nên nếu thất bại một lứa nuôi là có thể cụt vốn.

“Sau nhiều năm tích góp, cộng thêm nguồn vốn từ vay mượn, hiện tại gia đình tôi có quy mô 7 trại, mỗi năm nuôi được 12 lứa gà, trung bình xuất bán khoảng 48-50 ngàn con cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, vụ gà Tết Nguyên đán, do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, nên trang trại thường tăng đàn để cung cấp gà cho thị trường đón tết”, anh Duẩn chia sẻ.

Để nuôi gà ta thả vườn đạt trong lượng xuất bán, theo anh Duẩn, trung bình mỗi lứa từ lúc nuôi đến khi xuất bán mất thời gian khoảng 3,5 tháng. Gà phải được uống vác xin và tiêm phòng đầy đủ để phòng, chống dịch bệnh. Khi gà được gần tháng tuổi là phải tách đàn gà trống và gà mái riêng biệt để thuận lợi cho quá trình chăm sóc.

Anh Duẩn cho biết, giá bán gà ta hiện nay khoảng 58-60 ngàn đồng/kg, cao hơn gần 10 ngàn đồng so với các đây vài tháng. Nguyên nhân là do dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, nhiều người tiêu dùng có xu hướng chuyển qua sử dụng thịt gà nhiều hơn.

Hiện tại, hệ thống trang trại của anh Duẩn đã có 7 trại với quy mô khoảng 50.000 con.

Tại ấp 7, xã Bình Sơn, so với mấy năm trước, tổng đà gà ta thả vườn đã tăng cao. Theo anh Duẩn, ngoài yếu tố giá và thị trường, việc nắm vững quy trình nuôi gà cũng là lý do khiến phần lớn các hộ nuôi tăng đàn dịp này.

“Lâu nay, người nuôi gà ta lo lắng nhất là dịch bệnh. Chính vì vậy, trước đây phần lớn các hộ chỉ nuôi nhỏ lẻ để dễ kiếm soát đàn gà. Thế nhưng hiện nay, phần lớn người nuôi đã thuộc nằm lòng quy trình chăm sóc, phòng bệnh nên cũng mạnh dạn tăng số lượng đàn nuôi”, anh Duẩn chia sẻ.

Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, xã Bình Sơn đã tập trung hỗ trợ người dân “nâng chất” tiêu chí sản xuất và thu nhập bình quân đầu người. Đối với gà ta thả vườn là vật nuôi chủ lực của địa phương, nhờ nuôi gà mà không ít hộ nông dân đã vươn lên làm giàu, trở thành các triệu phú, tỷ phú ở địa phương. Trong đó, riêng khu vực ấp 7, với nhiều rừng trồng tràm được xem là “thủ phủ” nuôi gà ta. Tổng đàn gà của khu vực ấp 7 hiện nay vào khoảng trên 600 ngàn con.

Thanh Cảnh