Nằm nép mình trong khu phố nhỏ, vườn lan rừng rộng gần 1.000 m2 của anh Ngô Ngọc Huy (P. Trảng Dài, Biên Hòa, Đồng Nai) trở thành điểm đến quen thuộc của những người yêu hoa lan, cây cảnh. Đó cũng là tâm huyết nhiều năm trời, quyết đưa bằng được nhiều giống lan rừng về giữa phố phường đông đúc của anh Ngô Ngọc Huy.
Mê lan từ những ngày còn trẻ, khi còn sống ở quê, trong khi bạn bè vừa chăn trâu vừa chơi các trò chơi dân gian giải trí thì anh Huy lại men theo sườn đồi, men theo những lối mòn trong rừng, trên núi đi tìm hoa lan đưa về vườn nhà để thuần hóa. Sau này lớn hơn, vào thành phố để học hành rồi lập nghiệp, anh Huy vẫn ấp ủ niềm đam mê ấy. “Dọc đường đi học, đi làm, đi công tác xa gần, nếu gặp lan mình đều nán lại để ngắm, để mua. Nhưng không gian vườn nhà nhỏ hẹp, chỉ trồng được mỗi loại một ít, mình vẫn mơ ước một ngày nào đó có thể gầy dựng được vườn lan rộng rãi hơn, mình cũng mong rằng, niềm đam mê của mình có thể tạo công ăn việc làm cho một số người thân, người quen hiện gặp khó khăn khi tìm việc ” – anh Ngọc Huy cho biết. Niềm đam mê hoa lan rừng ngày một lớn dần thêm, đến đầu năm 2020 thì anh Huy bắt tay vào thuê đất, xây dựng vườn lan và bắt đầu một hành trình mới. Cho đến nay, sau hơn nửa năm, vườn lan của anh Huy bắt đầu xanh tốt, lượng khách hàng bắt đầu ổn định.
Do khí hậu miền Nam nắng nóng quanh năm, lan rừng lại có hàng trăm loại với đặc tính khác nhau nên để thuần hóa được các giống lan rừng, anh phải mất thời gian dài để nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng và phát triển của từng giống lan. Khi tìm không gian để làm vườn cũng cần chỗ thoáng mát, không quá chói nắng nhưng cũng cần đủ gió và ánh sáng để lan phát triển. Bên cạnh đó, vì mỗi loại lan rừng chỉ ra hoa một mùa nhất định nên anh đã nghiên cứu kỹ màu hoa, khuôn hoa của từng loại lan rừng để phục vụ sát nhu cầu, sở thích cả khách hàng. Ban đầu, anh trồng nhiều các giống lan rừng phổ thông như: Hạc Vỹ, Ngọc Điểm (Nghinh xuân), các dòng lan kiếm: Kiếm Tiên vũ, Kiếm lô hội…Kiều tím, Hải Yến, Vảy Rồng, Bầu Rượu…Riêng các dòng cao cấp hơn như: Giả Hạc, Đơn Cam, Kiều Dẹt, Giáng Hương Hồng Nhạn, Trúc Phật Bà…thì anh chỉn chu và mất nhiều thời gian hơn cho quá trình ươm giống cũng như trồng lan vào từng loại giá thể phù hợp.
Ở không gian vườn nhà nhỏ hẹp, mỗi gốc lan trở nên thân thuộc hàng ngày, anh chăm chút tỉ mẩn nên lan đều sinh trường, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Thế nhưng ở không gian rộng hơn, hàng ngàn giò lan trở nên khó khăn hơn trong việc chăm sóc và kiểm soát sâu bệnh. Những ngày đầu, thấy lan vàng úa, sên ốc cắn cụt lá, xót vô cùng, anh lại thức đêm, thức hôm để bắt sên, diệt ốc. Hệ thống tưới tự động cũng được anh lắp đặt để điều chỉnh lượng nước cho phù hợp, tránh gây độ ẩm quá đà, không tốt cho một số dòng địa lan, dễ tạo môi trường thuận lợi cho nấm bệnh. Anh Huy tâm sự “Vì vốn liếng không có nhiều, nguồn tài chính gia đình lại eo hẹp nên mình cứ mua trồng rồi chiết ra để bán, rồi mua loại khác, lấy ngắn nuôi dài. Bằng mối quan hệ bạn bè, người quen, mình chọn mua lan trực tiếp của những người dân lấy ở rừng, giá mềm hơn”.
“Trong lúc công việc gặp nhiều khó khăn, anh Huy động viên mình cùng chung tay chăm sóc vườn lan. Anh rất mê lan và am hiểu về công việc này. Anh chỉ mình từ tên gọi, đặc tính, rồi đến cách trồng, cách chăm sóc từng giống lan, cả cách phòng trừ nấm côn trùng và nhận biết các bệnh trên lan chỉ qua sự đổi màu của lá, sự biến dạng của rễ …”- anh Lâm Viết Trì, người làm chung vườn lan với anh Huy cho biết.
Đối với người chơi lan rừng, ngoài đam mê, theo anh Ngọc Huy, người chơi đòi hỏi phải có sự cần mẫn, tỉ mỉ để có những giò lan có dáng, lá đẹp, hoa nở đúng chuẩn. Để phục vụ thị hiếu khách hàng, anh cũng sưu tầm một số ít dòng lan đột biến, tuy nhiên do giá thành cao hơn các dòng lan thông thường nên cách chăm sóc dòng này đòi hỏi sự chỉn chu trong từng công đoạn và khó khăn nhất là khi lan đột biến bị bệnh.
Trong giai đoạn nhiều vụ giao dịch lan đột biến có giá trị bất thường lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ gây hoang mang cho người dân thì anh Huy vẫn bình tĩnh cho biết “Mình trồng lan vì đam mê, cung cấp lan cho thị trường để phục vụ nhu cầu chiêm ngưỡng cái đẹp, thư giãn và làm giảm những áp lực của cuộc sống chứ không chơi lan theo kiểu chơi vé số, đeo đuổi lan để đổi đời như một số người nên không lo ngại điều gì cả”.
Hiện ngoài bán cho khách mua tại vườn, anh cũng tận dụng các kênh bán hàng online như face book, zalo, shopee…với lượng khách hàng ổn định. Anh cho biết, để phục vụ nhu cầu của người dân vào các dịp lễ tết, vườn lan của anh cũng nhập thêm một số dòng lan công nghiệp như Dendro, Vanda, Vũ nữ, Hồ điệp…cũng như một số hoa và cây cảnh thông dụng.
Diệu Linh