Người đồng hành của những ý tưởng khởi nghiệp 

Thạc sĩ Thạch Lê Anh với ngày hội khởi nghiệp tại Đồng Nai

Thung lũng Silicon luôn được nhắc đến là một trung tâm khởi nghiệp nổi tiếng của Mỹ, nơi gắn liền với những tên tuổi lớn trong làng công nghệ như Google, Apple, Facebook, Uber…Còn đối với những start-up trẻ của Việt Nam, Vietnam Silicon Valley trở nên gần gũi, thân quen hơn nhiều trong những câu chuyện khởi nghiệp. Thạc sĩ Thạch Lê Anh tốt nghiệp MBA (quản trị kinh doanh) tại đại học Nam California (Mỹ), am hiểu các ngoại ngữ như Anh, Nga, Pháp và từng có nhiều năm làm việc cho các doanh nghiệp đa quốc gia, thế nhưng trong mỗi câu chuyện về khởi nghiệp mà bà chia sẻ luôn gần gũi, thực tế và dễ hiểu. Mỗi chủ đề về khởi nghiệp mà bà Lê Anh chia sẻ luôn có chiều sâu, bề rộng và đặc biệt bà sẵn sàng giải đáp thắc mắc liên quan từ chính thực tế kinh nghiệm công tác của bà.

Bà Thạch Lê Anh – Sáng lập viên và Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley, người được xem là “Cha đẻ” của đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Sillicon tại Việt Nam được phê duyệt vào tháng 6/2013. Tham gia Hội nghị “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, bà Thạch Lê Anh đã thông tin cho bạn trẻ Đồng Nai một cái nhìn khái quát và khách quan nhất về vai trò của nhà đầu tư trong hệ sinh thái khởi nghiệp, trong câu chuyện của bà, Vietnam Silicon Valley sẽ luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy để ươm mầm cho những giấc mơ khởi nghiệp.

Chia sẻ với bạn trẻ Đồng Nai về vai trò của nhà đầu tư – một bước quan trọng trong hành trình khởi nghiệp, bà không chỉ bày tỏ một cách nhìn khái quát về những tác động của đầu tư mạo hiểm đối với nền kinh tế, lấy câu chuyện từ một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Israel, Phần Lan…chân dung và đặc điểm của nhà đầu tư thiên thần, Vietnam Silicon Valley với vai trò của nhà đầu tư.

Bà Lê Anh cho biết, với vai trò là nhà đầu tư trong những năm qua Vietnam Silicon Valley đã hình thành được mạng lưới đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ Chính phủ xây dựng các đề xuất, chính sách, kết nối đầu tư, cung cấp thông tin về thị trường vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đồng thời cũng là cầu nối liên kết các cấu phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

ThS. Thạch Lê Anh tham gia hội nghị và chia sẻ với bạn trẻ Đồng Nai về hành trình gọi vốn đầu tư khởi nghiệp

Bắt đầu khởi nghiệp bằng việc xin nghỉ việc tại một công ty đa quốc gia khi đã có được vị trí mà nhiều người mơ ước, bà Thạch Lê Anh mang trong mình tham vọng xây dựng đề án Việt Nam Silicon Valley với mong muốn đem những kinh nghiệm thực tiễn của Mỹ kết hợp với tinh thần kinh doanh và bản lĩnh sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam, qua đó tạo ra một hệ sinh thái chú trọng đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ. Nhắc lại câu chuyện của mình từ những bước đi đầu tiên khi bắt tay vào khởi nghiệp, bà Lê Anh đã đem đề án của mình đi thuyết phục những nhà làm chính sách, với mong muốn được xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm.  Theo bà Lê Anh, đầu tư mạo hiểm vào các start-up rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Riêng tại Mỹ, số tiền đầu tư mạo hiểm mỗi năm lên đến trên 60 tỷ USD, (năm 2016 đạt 69,1 tỷ USD, tương đương 0,37% GDP của nước Mỹ. Trong khi đó, tại Việt Nam, nguồn vốn vay vẫn chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư mạo hiểm mới ở giai đoạn sơ khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong những năm gần đây phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ và chúng ta đứng thứ 3 trong khu vực, nhưng số tiền đầu tư mạo hiểm đổ vào khu vực Đông Nam Á khoảng 1,5 tỷ thì vào Việt Nam khoảng 100 triệu. Đó cũng là cái để những nhà làm chính sách cần quan tâm hơn làm thế nào để thu hút được các nguồn vốn về với Việt Nam- bà Lê Anh bày tỏ thêm.

Tại Hội nghị “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai”, qua câu chuyện của nhiều start-up cho thấy, nhiều doanh nghiệp mất đi cơ hội tồn tại khi không thể tìm được nguồn vốn để phát triển sản phẩm, ngoài ra các dự án cũng gặp khó khăn do thiếu cố vấn, người hướng dẫn là thiếu luôn cả kỷ luật để thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình. Lưu ý thêm đối với những start-up, bà Lê Anh cho rằng, gọi vốn khởi nghiệp chỉ nên thực hiện nhanh trong vòng 3 năm, nếu không hiệu quả và kéo dài lâu hơn thì cần tư duy để thay đổi hình thức.

 Tại Việt Nam, Vietnam Silicon Valley đã có những bước đi đầu tiên chắc chắn, qua đó vừa kết nối các nhà đầu tư thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu đến tổ chức hội thảo của các nhà đầu tư cho những nhà làm chính sách, những nhà đầu tư để họ đỡ rủi ro trong việc đầu tư vào start-up. Bà Thạch Lê Anh hy vọng thời gian tới Vietnam Silicon Valley tiếp tục đồng hành cùng những giấc mơ khởi nghiệp và là không gian hợp tác làm việc mạnh mẽ giữa các nhà đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Diệu Linh