Gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu thực vật từ khi ra trường, thế nhưng nấm là loài thực vật khiến Th.S Phạm Ngọc Dương (Vườn Quốc gia Cát Tiên) giành nhiều thời gian và tâm huyết nhất. Khởi nghiệp với nấm, đam mê nấm và cứ thế, càng ngày Th.S Phạm Ngọc Dương lại tìm tòi thêm được nhiều giá trị, lợi ích từ nấm mang lại.
Tốt nghiệp Đại học tại Trường Đại học Nha Trang và hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) Chuyên ngành Sinh thái học, gắn bó với Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên từ năm 2006 đến nay, nghiên cứu nhiều các thể loại thực vật, cây trồng tại VQG Cát Tiên, nhưng tâm huyết nhiều nhất ThS. Phạm Ngọc Dương giành nhiều cho các loại nấm, ngoài việc nghiên cứu các loài nấm có giá trị dược liệu đã được ghi nhận ở VQG Cát Tiên với số lượng lớn, năm 2015, sau hơn 5 năm phối hợp nghiên cứu và sưu tầm, Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, VQG Cát Tiên vừa công bố danh mục hơn 300 loài nấm, trong đó gần 200 loài được sưu tập và bảo quản tại phòng mẫu của VQG Cát Tiên. ThS. Phạm Ngọc Dương chính là người gắn bó và tham gia tích cực trong quá trình nghiên cứu, thu thập các loài nấm ấy.
Th.S Phạm Ngọc Dương giới thiệu về không gian nghiên cứu nấm ở Vườn QG Cát Tiên
Năm 2020, kết quả Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi trồng nấm thực phẩm Bạch hương phát hiện ở Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên” do Th.S Phạm Ngọc Dương thực hiện đã được Sở Khoa học và Công nghệ bàn giao cho VQG Cát Tiên đưa vào ứng dụng thực tiễn. Hiện kết quả của Đề tài bước đầu đã được thương mại hóa với kết qả khả quan.
ThS. Phạm Ngọc Dương cũng là người tâm huyết với các loại nấm tại VQG Cát Tiên và là người phát hiện những loại nấm mới, quý, hiếm tại Đồng Nai. Đầu năm 2017, PGS.TS Lê Xuân Thám – lúc ấy là Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng (hiện là Trưởng ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) và cộng sự đã xác định loài nấm hương thứ 2 ở Việt Nam và thứ 8 trên thế giới là nấm Bạch Hương tại VQG Cát Tiên. Đặc biệt, qua phân tích gen cho thấy, bộ gen của Bạch Hương không trùng lặp với bất kỳ loài nấm hương nào đã được phát hiện trước đó trên thế giới. Phát hiện này đã được công nhận mang tính quốc tế sau khi nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Chính PGS.TS Lê Xuân Thám cho biết: “Việc phát hiện loài nấm mới này cũng thật tình cờ. Vào mùa mưa năm 2008, anh Phạm Ngọc Dương trong một lần đi sâu vào rừng đã bắt gặp một loài nấm lạ, đẹp mắt và có màu trắng. Sau đó Dương có chụp vài tấm đem về chia sẻ cho chúng tôi xem nhưng không ai nghĩ đó là loài nấm hương mới”. Và chính những phát hiện đầu tiên của anh Phạm Ngọc Dương đã thôi thúc giới nghiên cứu như PGS.TS Lê Xuân Thám phải nghiên cứu sâu hơn về loài nấm lạ này.
Phòng nuôi cấy mô nấm ở VQG Cát Tiên
Là người đầu tiên phát hiện được những loài nấm mới, xây dựng danh mục các loài nấm tại VQG Cát Tiên, thực hiện thành công Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi trồng nấm thực phẩm Bạch hương phát hiện ở Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên” hiện đã đưa vào quá trình thương mại hóa …đó là những kết quả nổi bật suốt những năm tháng dài mà ThS. Phạm Ngọc Dương đã đam mê, tâm huyết với nấm. Anh Phạm Ngọc Dương cảm thấy rất vui khi đã đóng góp một phần công sức, tâm huyết của mình để đánh thức được giá trị thiên nhiên vốn có tại Đồng Nai đồng thời tiếp tục khơi dậy được đam mê nghiên cứu khoa học đối với thế hệ trẻ, nhất là những sinh viên theo đuổi con đường làm nghiên cứu.
Ngọc Vy