Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến phần lớn các doanh nghiệp thì các cơ sở sản xuất những mặt hàng thủ công mỹ nghệ vẫn biết tận dụng thời cơ để vươn lên xuất khẩu.
Có mặt trên thị trường chưa lâu, thế nhưng Công ty TNHH Thương mại Khánh Lộc, xã Phú Hòa, huyện Định Quán đã trở thành một trong số ít doanh nghiệp ngành hàng thủ công mỹ nghệ có sản phẩm xuất khẩu đi Hoa Kỳ và một số nước châu Âu.
Ông Đỗ Văn Lâm, Giám đốc công ty cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới, trong đó những doanh nghiệp nhỏ và vừa như Khánh Lộc cũng không nằm ngoại lệ. Hệ lụy là giá các mặt hàng xuất khẩu cũng cũng phải giảm theo; thời gian thanh toán cũng phải linh hoạt và kéo dài hơn cho khách hàng.
“Dịch bệnh đã tạo nên thách thức rất lớn cho doanh nghiệp, nhất là phụ thuộc phần lớn đơn hàng vào xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ để doanh nghiệp khẳng định chất lượng và sự tin tưởng từ các đối tác”, ông Lâm chia sẻ.
Cũng theo ông Lâm, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khiến đơn hàng thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan có xu thế dịch chuyển qua Việt Nam nhiều hơn. Theo phân tích của ông Lâm, lâu nay hàng thủ công mỹ nghệ từ Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ Trung Quốc. Chỉ cần 5 đến 10% đơn hàng từ thị phần này chuyển qua Việt Nam thì các doanh nghiệp Việt làm không hết việc. Và thực tế trong khoảng một năm qua, đơn hàng từ những thị trường này đã tăng lên đáng kể. Với 50% hàng hóa xuất chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ, Công ty TNHH Thương mại Khánh Lộc gần như phải đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng cho thị trường này. Điều này góp phần giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Chị Tống Thị Hường, Công nhân Công ty TNHH Thương mại Khánh Lộc cho hay, nhờ đơn hàng ổn định nên công nhân thường xuyên có việc làm để sản xuất. Nhờ đó, thu nhập cũng được đảm bảo.
Định Quán là địa phương có nhiều nghề truyền thống, với nhiều sản phẩm khá đặc sắc, thu hút được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Trong đó, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ được các nghệ nhân, thợ giỏi nghiên cứu, thiết kế và thực hiện bằng nhiều công đoạn thủ công, tạo nên nét riêng của mỗi sản phẩm. Những sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ từ lục bình, mây tre, cói, nhựa hiện rất phong phú, đa dạng và nhiều công dụng có thể là bàn ghế, rổ khay để đựng các đồ dùng, thực phẩm trong nhà, hoặc trang trí bên ngoài các chậu cảnh… trông khá đẹp mắt. Là huyện miền núi, dân cư thưa thớt, có đông đồng bào thiểu số, đời sống còn khó khăn, người lao động ở đây ít có cơ hội tìm được việc làm do không có tay nghề. Vì vậy, ngành nghề phù hợp nhất để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân chính là nghề mây tre đan.
Nhận định dịch Covid-19 sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, cộng với sự chuyển dịch thị phần từ Trung Quốc qua Việt Nam sẽ còn tăng trong thời gian tới, chủ doanh nghiệp đã chủ động nguồn nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhằm tận dụng cơ hội hiếm có này.
“Kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thời gian tới sẽ là tập trung mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm nhiều khác hàng mới để từ đó có thể mở rộng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương”, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Khánh Lộc Đỗ Văn Lâm chia sẻ.
Theo ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, là thách thức lớn cho mọi doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt thời cơ trong gian khó để tổ chức sản xuất, tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường.
Minh Thư