Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Đánh giá các dự án khởi nghiệp

Cuộc thi KNĐMST tỉnh Đồng Nai năm 2020 đã kết thúc với các giải thưởng giành cho 6 dự án tiêu biểu. Giải Nhất: Dự án thiết bị theo dõi và phần mềm quản lý sức khỏe gia đình của tác giả Nguyễn Quang (TP. Biên Hòa) đạt giải Nhất; Giải Nhì: Dự án Cao An xoa và Trà An xoa An Hòa của tác giả Hoàng Thị Kim Anh (TP. Biên Hòa) và Dự án chế biến các sản phẩm từ sen của tác giả Nguyễn Thị Bích Lệ (huyện Nhơn Trạch); Giải Ba: Gồm các Dự án: Sản xuất và kinh doanh quà tặng bằng gỗ và tre sử dụng công nghệ CNC và in 3D của tác giả Ngô Quốc Huy (TP. Biên Hòa); Sản xuất và nuôi trồng nấm linh chi theo hướng công nghệ cao của tác giả Đoàn Thu Hà (TP. Long Khánh) và Ứng dụng marketting và công nghệ để khởi nghiệp thời đại 4.0 của tác giả Nguyễn Vũ Huy Hoàng (TP. Biên Hòa). Theo đánh giá của ban giám khảo và các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, các dự án đạt giải có tính khả thi, đã ứng dụng và có kết quả thực tiễn, thế nhưng để dự án được mở rộng trên thị trường thì cần mở rộng các kênh truyền thông và cần sự tư vấn kỹ hơn của các mentor (người hướng dẫn) để định hướng sản xuất kinh doanh bền vững.

Tính thực tiễn cao

Các dự án được chấm điểm dựa trên các tiêu chí cụ thể: Tính mới, tính sáng tạo; khả năng tăng trưởng, khả năng thương mại hóa; mức độ hoàn thiện của mô hình/ kế hoạch kinh; Mức độ tác động và ý nghĩa về kinh tế – xã hội của ý tưởng dự án mang lại. Trong đó, các dự án được đánh giá cao bởi tính mới, tính sáng tạo.

Thuyết trình các dự án khởi nghiệp ĐMST

Trải qua 2 vòng thi sơ loại và thử thách, 8 dự án xuất sắc nhất được Ban tổ chức lựa chọn tranh tài ở vòng thi chung kết bao gồm: Cao An xoa và Trà An xoa An Hòa của tác giả Hoàng Thị Kim Anh (TP. Biên Hòa); Chế biến các sản phẩm từ sen của tác giả Nguyễn Thị Bích Lệ (huyện Nhơn Trạch); Sản xuất và kinh doanh quà tặng bằng gỗ và tre sử dụng công nghệ CNC và in 3D của tác giả Ngô Quốc Huy (TP. Biên Hòa); Thiết bị theo dõi và phần mềm quản lý sức khỏe gia đình của tác giả Nguyễn Quang (TP. Biên Hòa); Ứng dụng marketing và công nghệ để khởi nghiệp thời đại 4.0 của tác giả Nguyễn Vũ Huy Hoàng (TP. Biên Hòa); Sản xuất và nuôi trồng nấm linh chi theo hướng công nghệ cao của tác giả Đoàn Thu Hà (TP. Long Khánh); Son môi nha đam hữu cơ phối từ màu tinh chất quả gấc của tác giả Võ Thị Diễm Kiều (TP. Biên Hòa); sáng kiến tập trung hóa ngành trồng nấm ở Đồng Nai của tác giả Nguyễn Hồng Đăng (huyện Xuân Lộc).

Nếu như Dự án Cao An xoa và Trà An xoa An Hòa được thực hiện từ năm 2014, và chính thức khởi nghiệp với sản phẩm có thương hiệu trong vòng 2 năm nay. Các sản phẩm từ dự án được liên kết sản xuất từ nguồn nguyên liệu ổn định từ khu vực huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Hiện sản phẩm đã có mặt tại một số cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Chị Hoàng Thị Kim Anh, tác giả dự án cho biết, trong thời gian tới, chúng tôi dự tính mở rộng thị trường trong cả nước và kết nối để đưa sản phẩm vươn xa hơn nữa. Mặc dù sản phẩm đã được nhiều người tiêu dùng biết đến, tuy nhiên tham gia cuộc thi KNĐMST, chúng tôi được các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp góp ý thêm về các kiến thức khởi nghiệp từ đó biết cách kiểm soát được những rủi ro để có thể phát triển bền vững.

Còn đối với Dự án khởi nghiệp Ứng dụng maketting và công nghệ để khởi nghiệp thời đại 4.0 của anh Nguyễn Vũ Huy Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH giải pháp truyền thông Hmedia chú trọng nghiên cứu các úng dụng công nghệ trong maketting – truyền thông thời đại mới. Theo tác giả Huy Hoàng cho biết: “Các sản phẩm dịch vụ của Hmedia đã nhận được hợp đồng từ nhiều đối tác trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi vẫn không ngừng sáng tạo, đổi mới để nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ truyền thông đa kênh trên nền tảng ứng dụng công nghệ. Chính cuộc thi KNĐMST tỉnh Đồng Nai năm 2020 đã tiếp thêm cho chúng tôi động lực, những kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia để mở rộng và vươn xa hơn trên con đường lập nghiệp mà chúng tôi đã chọn”.

Phát triển dự án chuyên nghiệp hơn

Theo ông Nguyễn Văn Ngà, Giám đốc Công ty TNHH Agrocom Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh), Ủy viên Hội đồng tư vấn khởi nghiệp phía Nam cho rằng, Những cuộc thi khởi nghiệp ĐMST như tại Đồng Nai nhằm dẫn dắt, khơi gợi ra những xu hướng khởi nghiệp trong cộng đồng thanh niên, sinh viên…ở các địa phương. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, KNĐMST khác với khởi nghiệp mưu sinh thông thường, trong đó KNĐMST đem lại nhiều giá trị hơn cho cộng đồng xã hội. Cuộc thi KNĐMST Đồng Nai được tổ chức hàng năm đã thu hút được nhiều dự án có tính khả thi cao, sản phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống. Tuy nhiên, để khai thác được nhiều hơn các ý tưởng đổi mới sáng tạo từ các tầng lớp thanh niên, sinh viên thì cuộc thi cần được truyền thông rộng rãi, tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn thêm về kỹ năng khởi nghiệp.

 Hầu hết các dự án đã có sản phẩm thực tế đưa vào sản xuất

Theo ThS. Võ Thị Phương Lan – Chủ tịch Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam đánh gia, các dự án dự thi KNĐMST Đồng Nai năm 2020 hầu hết đã có sản phẩm thực tế đưa vào sản xuất. Đặc biệt các dự án tham gia vòng chung kết đều được đầu tư bài bản, đầy tâm huyết, có tính khả thi để đưa vào sản xuất kinh doanh, nhiều tác giả tham gia dự thi là những người có kiến thức chuyên sâu, những nhà khoa học đem ứng dụng những kiến thức mình đã tích lũy được để biến những sản phẩm nông nghiệp cơ bản thành những sản phẩm có giá trị phục vụ cho cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên cũng theo bà Phương Lan, để đưa vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận, có thị trường tiêu thụ ổn định thì các dự án cần được sự hỗ trợ thêm từ những mentor (người hướng dẫn), hỗ trợ chính sách từ chính quyền địa phương và hơn hết là sự quyết tâm của chủ dự án, qua đó thu hút được nhà đầu tư, đưa sản phẩm đến được với thị trường.

Diệu Linh