Từ nguồn vốn hỗ trợ vượt nghèo của địa phương, bà Phạm Thị Mải, ấp Cọ Dầu, xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu cho gia đình từ mô hình nuôi dê lấy thịt.
Bà Mải cho biết, hơn 10 năm trước, gia đình bà thuộc diện nghèo được tham gia chương trình giảm nghèo của xã được hỗ trợ vốn và con giống vượt nghèo qua mô hình chăn nuôi dê. Sau khi thoát nghèo vươn lên hộ có mức sống trung bình khá của địa phương, gia đình bà Mải tiếp tục được tham gia vào Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo nuôi dê sinh sản của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện với 4 con dê giống sinh sản. Nhận thấy việc nuôi dê có hiệu quả, đầu năm 2016, gia đình bà đã mạnh dạn vay vớn thêm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 50 triệu đồng để đầu tư chuồng trại và mở rộng quy mô chăn nuôi.
Với 10 con dê giống ban đầu (04 con dê giống được dự án hỗ trợ và 06 con dê mua thêm từ nguồn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện) cùng kiến thức đã được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, cộng thêm với kinh nghiệm thực tế của bản thân, đồng thời tận dựng được nguồn thức ăn dồi dào quanh nhà nên đàn dê của gia đình bà Phạm Thị Mải phát triển tốt. Chính vì vậy, sau hai năm đàn dê không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp cho gia đình tôi cải thiện cuộc sống và giúp tôi tích cóp, tiết kiệm. Hiện nay, trong chuồng trại của gia đình bà lúc nào cũng có khoảng trên 70 con dê. Bên cạnh nuôi dê sinh sản, hướng phát triển mới của gia đình bà Mải là nuôi dê thịt cung cấp cho các đầu mối thương lái địa phương mang lại thu nhập ổn định vì giá thịt dê xuất chuồng khá cao.
Từ nguồn thu nhập cao và ổn định của mô hình nuôi dê không chỉ giúp gia đình bà Phạm Thị Mải vươn lên thoát nghèo, có thu nhập khá mà còn mở rộng diện tích đất canh tác các loại cây, con khác. Theo bà Mải, qua thời gian tích góp từ tiền bán dê, trồng bắp gia đình tôi mua thêm 15 sào đất (1,5 ha) để đầu tư trồng 10 sào mãng cầu Thái và 1 sào bưởi da xanh.
Hiện nay thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình từ 150 đến 250 triệu đồng và đặc biệt hơn là đã xây mới được 1 căn nhà khá khang trang, cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà Mải còn giúp đỡ 6 hộ khó khăn trong vùng vốn vay sản xuất, dê giống phát triển kinh tế, tạo việc làm cho 2 lao động cận nghèo.
Theo lãnh đạo phòng LĐ-TB&XH huyên Cẩm Mỹ, thời gian qua, chính sách giảm nghèo của huyện đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Toàn huyện đã xây dựng 05 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo (05 mô hình nuôi dê) có 11 lượt xã, 275 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia, kinh phí 2,6 tỷ đồng; hỗ trợ 100 con bò giống cho 100 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn trên địa bàn huyện với số tiền 3 tỷ đồng. Hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề nông nghiệp cho 84 hộ nghèo, cận nghèo, kinh phí 813,5 triệu đồng; hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho 419 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hỗ trợ lắp đặt nước máy nhỏ lẻ cho 304 hộ nghèo, hộ cận nghèo, kinh phí 405,72 triệu đồng; vận động quỹ ‘‘Vì người nghèo” được hơn 4,4 tỷ đồng; phối hợp vận động xây dựng 300 căn nhà tình thương với số tiền 16,2 tỷ đồng… Huyện Cẩm Mỹ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2025 còn dưới 0,25% so với hộ dân (theo chuẩn mới của giai đoạn 2021 -2025), tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 0,5% so với hộ dân.
Đỗ Quyên