Trong quá trình gom bọc phế thải bán cho các cơ sở thu gom phế liệu tại TPHCM, bằng tinh thần chịu khó, sáng tạo, bà Nguyễn Thị Trang (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) còn học hỏi kỹ thuật tái chế rác thải rồi về đầu tư mở cơ sở tái chế thành hạt nhựa tại nhà, tạo ra nguồn thu nhập ổn định 400 – 500 triệu mỗi năm.
Từ quê hương Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Trang vào Đồng Nai lập nghiệp với mong muốn có một cuộc sống ổn định hơn. Sau 2 năm gắn bó với Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hòa), năm 1988 bà Trang lập gia đình và về sinh sống tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom). Không nghề nghiệp, không vốn liếng, không đất đai, nhà cửa…, Khát khao thoát khỏi đói nghèo luôn thôi thúc chị tìm phương cách làm kinh tế phù hợp cho gia đình. Sau nhiều ngày trăn trở, nhận thấy khu vực xã Sông Trầu là địa bàn có nhiều gia đình làm kinh tế bằng nấm mèo. Sau khi thu hoạch nấm, lượng bọc thải ra rất nhiều nên chị quyết định thu gom loại rác thải này để bán kiếm lời. Vừa có thu nhập, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Năm 2002, với số tiền dành dụm của 2 vợ chồng và vay mượn thêm bà đã đầu tư mua sắm máy móc. Bên cạnh số hàng thu gom được trên địa bàn, để có nguồn nguyên liệu ổn định, bà đã liên hệ với một số đơn vị, doanh nghiệp thu mua phế liệu. Phế liệu nhập về được phân loại, bằm, phơi khô mới đưa vào máy ó hạt nhựa. Nghe thì thấy quy trình đơn giản, nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Khó nhất là canh nhiệt độ phù hợp để không làm cho hạt nhựa bị lép. Do chưa có kinh nghiệm nên tháng đầu tiên cơ sở sản xuất của bà bị lỗ nặng. Không nản chí, bà tiếp tục học hỏi, nhờ những công nhân đang trực tiếp làm tại cơ sở sản xuất hạt nhựa tại TP.Hồ Chí Minh truyền đạt kỹ thuật, kinh nghiệm. Khó khăn dần đi qua, cơ sở sản xuất của bà đi vào ổn định, sản phẩm được cung cấp cho các cơ sở sản xuất ống nước tại TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng…
Bà Nguyễn Thị Trang (ngoài cùng, bên trái) trong buổi tuyên dương phụ nữ làm kinh tế giỏi
Với ý chí vượt qua khó khăn, quyết tâm vươn lên làm giàu và sự hõ trợ vốn kịp thời từ Hội LHPN đã giúp bà Trang biến ý tưởng làm giàu thành sự thật. Không dừng lại ở việc tái chế bằng máy móc cũ, lạc hậu, vẫn còn phải làm thủ công nhiều khiến năng suất lao động cũng như chất lượng hạt nhựa không cao nên dưới sự bảo trợ của tổ chức Hội, bà mạnh dạn vay thêm vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư thêm máy mọc hiện đại. Với quy mô sản xuất như hiện nay, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình bà thu được 400-500 triệu đồng, góp phần ổn định cuộc sống, tạo việc làm cho gần 10 lao động cố định và khoảng gần 20 lao động thời vụ tại địa phương có thu nhập từ 3-6 triệu đồng/tháng. Cơ sở sản xuất của bà không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần thu gom, tái sử dụng có hiệu quả nguồn phế liệu, bảo vệ môi trường.
Trần Văn Lưu.