Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý người tiêu dùng, 3 ông: Vũ Đức Sinh (ngụ huyện Xuân Lộc), Nguyễn Quốc Minh và Nguyễn Thanh Sang (đều ngụ TP.Biên Hòa), đã mạnh dạn xin nghỉ việc ở cơ quan Nhà nước để đầu tư trồng và mở cửa hàng cung cấp rau sạch, hướng tới mục tiêu đưa thực phẩm sạch đến với mọi gia đình.
Ông Sinh bắt đầu mở cửa hàng rau sạch (Hợp tác xã Trường An) ở TP.Biên Hòa năm 2014. Với nguồn hàng từ vườn rau 3 hécta của gia đình ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), ông phát triển từ việc bỏ hàng cho các mối ở chợ đến cung cấp rau theo đơn đặt hàng qua mạng. Khi ông Sinh bắt đầu bỏ công việc để kinh doanh cửa hàng rau sạch, 2 người bạn thân của ông là Nguyễn Quốc Minh và Nguyễn Thanh Sang đã xắn tay áo phụ giúp ông từ những ngày đầu khó khăn nhất. Đến tận giữa năm 2016, sau 2 năm đắn đo suy nghĩ, 2 ông Minh và Sang cũng quyết định thôi việc để hợp lực cùng ông Sinh phát triển cửa hàng rau.
Ông Sang tâm sự, thật không dễ để đưa ra quyết định thôi việc để làm công việc mới khi cả 3 người đều trên 30 tuổi và có quá trình công tác 10 năm ở các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, ước mơ khởi nghiệp từ nghề nông, từ việc cung cấp bữa ăn sạch cho các gia đình đã không ngừng thôi thúc các ông.
“Hiện chúng tôi tận dụng tất cả các mối quan hệ của mình để tìm khách hàng, liên kết với các nhà vườn khác để đa dạng hóa sản phẩm. Tính luôn rau, củ, quả thì chúng tôi cung cấp được trên 20 loại, mỗi tuần xe chở hàng từ Xuân Lộc đến TP.Biên Hòa tập kết 2 lần và chúng tôi chia nhau giao hàng cho các mối đặt trước. Lúc đầu, mỗi người tự nhận đơn hàng và giao cho Sinh tập hợp. Sau một thời gian, khách quen với cách đặt hàng qua mạng nên đến với chúng tôi nhiều hơn. Với lượng khách ổn định, mỗi tháng chúng tôi có khoản thu nhập nhất định để xoay vòng đầu tư. Mục tiêu của chúng tôi là nâng lượng khách hàng từ 300 lên 500 gia đình” – ông Sang cho biết.
Vườn rau sạch của HTX Trường An tại Xuân Lộc
Cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật để trồng rau, ông Sinh còn đầu tư mở rộng diện tích với nhiều loại rau xanh, như: cải ngọt, rau muống, rau dền… Có sản phẩm tốt, ông lập ra mô hình “Từ nông trại đến bàn ăn” để tìm kiếm khách hàng thân thiết và cung cấp cho họ những sản phẩm rau sạch đạt chất lượng.
Ông Sinh kể, những ngày đầu cung cấp rau sạch, ông phải dùng nhiều mối quan hệ để xin vào một số cơ quan bán rau sau giờ hành chính. Tuy nhiên, không phải ngày nào cũng có người mua; có ngày chở rau từ huyện Xuân Lộc đến TP.Biên Hòa lại gặp trúng ngày cả cơ quan đó đi họp, công tác, thế là ông phải chở rau về cửa hàng cất vào tủ lạnh.
“Quãng đường đi từ Xuân Lộc đến TP.Biên Hòa cũng khá xa, có lần tôi thuê xe dịch vụ chở rau đến cửa hàng thì đã bị giập, hư nhiều. Sau đó, tôi quyết định dùng xe nhà, đi cùng với tài xế chuyển hàng để đảm bảo chất lượng. Thật ra, tôi may mắn vì có gia đình làm nông mấy đời và có diện tích đất rộng để canh tác. Tôi làm vì mơ ước bản thân chứ có mấy ai chọn nghề nông để làm giàu bao giờ. Tôi học từ thất bại, từ hàng trăm ký rau bị héo, bị hư vì không bán được và nhờ đó tìm ra cách làm phù hợp. Thị trường tiêu thụ rau, củ của tôi hiện gồm: Đồng Nai, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, nhưng Đồng Nai vẫn là thị trường chính” – ông Sinh cho hay.
Rau ăn lá là một trong những sản phẩm dễ hư hỏng trong quá trình vận chuyển và bảo quản, nên nhiều người đánh giá quyết định bỏ công việc đang ổn định để khởi nghiệp bằng con đường làm nông của ông Sinh là liều lĩnh. Ngay bản thân ông ban đầu cũng cho như thế, nên ông quyết định dành 5 năm lợi nhuận đầu tiên để tái đầu tư, phát triển hợp tác xã, cửa hàng thật vững chắc, khi đó lợi nhuận đem về mới ổn định, lâu dài.
Là người trẻ tuổi nhất trong nhóm 3 người bạn kinh doanh rau sạch, ông Nguyễn Quốc Minh đã nỗ lực rất nhiều, giúp ông Sinh từ khi khởi nghiệp cho đến khi chính thức về chung tay xây dựng cửa hàng. Ông Minh cho rằng nếu không có định hướng rõ ràng, không có nền tảng và hậu thuẫn vững chắc thì khởi nghiệp bằng nghề nông rất rủi ro, nhất là trong thời điểm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được đặt lên hàng đầu. Trong những ngày đầu gầy dựng cửa hàng rau, từ vận chuyển, tìm khách hàng, rồi cách buôn bán…, hầu hết đều phải học từ đầu. Thất bại rồi lại làm lại từ đầu. Bên cạnh đó, công việc đem đến niềm vui thật sự cho chúng tôi khi có bữa ăn an toàn cho chính gia đình mình và thấy được cửa hàng lớn mạnh từng ngày. Để có được như hôm nay, chúng tôi đã vấp ngã nhiều và tốn kém một số vốn không nhỏ. Khởi nghiệp khi còn trẻ rất gian nan, khi đã có công việc ổn định cả chục năm mà rẽ ngang con đường khác còn gian nan hơn nữa. Đó là tâm sự của những người sáng lập nên hợp tác xã rau sạch Trường An.
Nguyễn Thị Hạnh.