Khởi nghiệp với mô hình kinh tế vườn đồi

Ngoài 20 tuổi, lại sinh sống ở ven đô, việc lên vùng núi hoang sơ, đường đất gập ghềnh, khó đi, sóng điện thoại gần như không có để xây dựng trang trại là điều không dễ dàng.

Đó là chân dung Nguyễn Văn Dũng (SN 1997), tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) chàng trai có đam mê kinh tế vườn đồi. Sau những lần thất bại, hiện Dũng đang sở hữu trang trại trị giá hàng trăm triệu đồng.

Tốt nghiệp THPT, Dũng đi xuất khẩu lao động. Trong thời gian làm việc nơi xứ người, Dũng vẫn ấp ủ ước mơ lập nghiệp ở chính quê hương của mình. Ngày ngày Dũng tự tìm hiểu những kiến thức về chăn nuôi và trồng trọt.

Sau khi tích lũy được vốn và kiến thức, Dũng trở về quê hương. Được sự ủng hộ của gia đình, Dũng xây dựng chuồng trại ngay trong vườn nhà. Chàng trai mua 50 con lợn nái và lợn thương phẩm về nuôi. Tuy nhiên, đàn lợn đến kỳ xuất bán đúng thời điểm dịch tả lợn châu Phi hoành hành nên bị nhiễm bệnh và chết dần.

“Nhìn đàn lợn chết dần trong bất lực, em gần như bật khóc. Lúc đó thực sự rất hoang mang và muốn chùn bước bởi toàn bộ vốn liếng, tài sản cũng như công sức đầu tư cả năm ròng đều mất trắng. Nhưng mẹ đã động viên em rất nhiều, mẹ bảo “lợn chết thì nuôi lại, còn người là còn của”. Mất khoảng gần 2 tháng em bắt đầu lấy lại tinh thần rồi đi tham quan mô hình chăn nuôi lợn rừng ở trong và ngoài tỉnh, đồng thời tìm hiểu thêm trên mạng để tích lũy kiến thức cho mình”, Dũng nhớ lại.

Không nản chí, Dũng quyết tâm làm lại. Với 30ha thuê của người thân tại xã Nam Điền (huyện Thạch Hà), Dũng vay mượn anh em bạn bè hơn 200 triệu đồng sửa sang lại cơ sở hạ tầng, xây dựng chuồng trại, ao hồ, đầu tư con giống tiếp tục chăn nuôi.

Hiện trang trại đã bước đầu cho nguồn thu nhập ổn định, với đàn lợn rừng 14 con, 100 con gà sao siêu trứng, 1.000 cá giống, 500 con vịt… Ngoài ra, Dũng trồng thêm nhiều giống cây ăn quả như vải thiều, mít, cam, bưởi… Tổng giá trị trang trại lên đến hàng trăm triệu đồng. Dự định trong tương lai, trang trại sẽ là đầu mối cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho các nhà hàng trên địa bàn Hà Tĩnh.

Chia sẻ về những khó khăn, Dũng cho biết: “Thời gian đầu lên vùng núi này khai hoang, cây cối um tùm, hoang sơ, nhưng may mắn em được sự động viên từ gia đình và hỗ trợ từ Đoàn thanh niên xã nên công việc cũng khá thuận lợi. Hiện tại khó khăn lớn nhất là nguồn vốn đầu tư. Do vốn ít nên em thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Sau khi xuất bán lứa này, em dự tính mở rộng trang trại, đầu tư thêm chuồng nuôi giống bò cỏ, dê…”.

Dám nghĩ dám làm, Dũng đã truyền nghị lực cho thanh niên trong việc khởi nghiệp phát triển từ kinh tế từ mảnh đất quê hương.

T.G (theo Enter News)