Nguyễn Thị Ngọc Hà ngụ xã Tam An, huyện Long Thành lựa chọn nghề nông để thực hiện ước mơ khởi nghiệp, làm giàu của mình. Với lựa chọn đó, cô gái trẻ này đã có nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ nghề truyền thống bao đời của người dân xã Tam An: Nuôi vịt chạy đồng.
Năm 2008, giống như bao bạn bè cùng trang lứa, Ngọc Hà háo hức thử sức với cánh cửa trường đại học sau 12 năm đèn sách. Ước mơ đến với giảng đường phải tạm dừng khi Hà không đủ điểm để trở thành sinh viên. Ngã rẽ vào đời đang thách thức cô gái trẻ.
Quê cô, xã Tam An lúc đó cũng có nhiều thay đổi khi khu công nghiệp Long Thành được thành lập, kéo theo đó là hàng loạt nhà máy, xí nghiệp mọc lên. Từ chỗ là nơi mưu sinh chính của người dân trong vùng, những cánh đồng lúa bát ngát cũng thưa vắng người làm, bởi phần lớn người dân đều bán ruộng để làm công nhân. Đặc biệt là tầng lớp thanh niên, không mấy ai chọn tiếp tục gắn bó với nghề nông. Họ chọn hướng đi làm công nhân trong các nhà máy để có nguồn thu nhập ổn định hơn và cũng đỡ “lam lũ” hơn.
Bố mẹ Hà là một trong số ít những người còn bám trụ với nghề làm lúa. Họ gắn bó bởi đã quá tuổi để đi làm công nhân. Nghề nông ở đây trở thành nghề phụ, nghề của người già từ khi có khu công nghiệp. Những cánh đồng lúa cũng dần “sang tay” cho các ông chủ thành phố tìm về mua đất. Và trong lúc chờ đợi cơ hội đầu tư, những cánh đồng hầu như bị bỏ hoang do các ông chủ thành phố cũng không mấy ai nghĩ đến chuyện trồng lúa, nuôi vịt. Trong khi đó, người dân địa phương do thiếu vốn nên cũng chỉ dám nuôi với quy mô nhỏ lẻ để kiếm thêm thu nhập. Không ai trong họ nghĩ đến việc làm giàu từ trồng lúa, nuôi vịt chạy đồng.
Sẵn có sở thích với những chú vịt, nhận thấy tiềm năng từ những ruộng lúa bỏ hoang, Hà đề xuất với gia đình cho mình nuôi thử vịt chạy đồng để phát triển kinh tế. “Em thấy ruộng đồng còn nhiều như vậy nên nguồn thức ăn cho vịt rất dồi dào. Thu nhập từ nghề này cũng không thấp, mọi người không thể làm giàu chỉ vì nuôi quy mô nhỏ mang tính thời vụ. Ngay từ đầu em đã nghĩ muốn làm giàu từ nghề này thì phải làm lớn”, Hà chia sẻ định hướng lúc mới chập chững vào nghề của mình.
Năm 2009, sau một năm ở nhà phụ giúp gia đình, Ngọc Hà quyết định khởi nghiệp với nghề nuôi vịt chạy đồng. Thế nhưng, ngay từ đầu, khó khăn đã đến với cô gái trẻ này. Thiếu vốn. Với tất cả số tiền gom góp của bố mẹ, tiền đi vay mượn người thân và 20 triệu đồng vốn vay ngân hàng, Hà quyết định mua 500 con vịt giống để nuôi vịt đẻ.
6 tháng sau ngày thả giống, thành quả đầu tiên đến với Ngọc Hà khi đàn vịt bắt đầu đẻ trứng. Với đàn vịt đẻ 500 con, mỗi ngày đều đặn Hà lại có hơn 400 quả trứng cung cấp ra thị trường. Tiền bán trứng lại được Hà quay vòng đầu tư vào thức ăn và tăng đàn. Ngoài ra, 2 ha lúa của gia đình cũng được Hà đầu tư chăm bón, vừa có thêm nguồn thu nhập từ lúa, vừa có đồng cho vịt chạy.
Với cách làm “lấy ngắn nuôi dài” đó, chỉ sau 2 năm, đàn vịt đẻ của Ngọc Hà đã tăng gấp đôi. Để có nơi cho vịt kiếm ăn cũng như có không gian để vịt đẻ trứng, Hà liên hệ với các chủ đất có ruộng bỏ hoang để xin thả vịt. “Hiện nay, ngoài 2 ha ruộng của gia đình, em còn làm thêm 10 ha ruộng người ta cho mướn. Diện tích ruộng này em trồng lúa chủ yếu để làm thức ăn cho đàn vịt và có nơi cho vịt kiếm ăn”, Hà cho biết.
Sau gần nhiều năm gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng, giờ đây cô gái trẻ Ngọc Hà đã có trong tay đàn vịt đẻ lên đến 1.800 con. Hà cho biết, hiện tại, mỗi ngày trang trại của cô thu hoạch khoảng 1.300 – 1.500 quả trứng. Với giá trứng dao động từ 2.600 – 2.800 đồng/quả thì mỗi ngày Hà có lãi khoảng 2 triệu đồng từ đàn vịt. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm từ đàn vịt đẻ khoảng 500 triệu đồng.
Bên cạnh nuôi vịt, Hà còn tận dụng ruộng lúa, ao hồ trồng xen canh 2 vụ lúa, mỗi vụ thu hoạch 2 tấn lúa, trồng rau nhút và nuôi chim bồ câu và các loại cá như rô phi, tra, trê, lóc…
Vốm ham học hỏi, từ năm 2010, Ngọc Hà còn đăng ký học quản trị kinh doanh hệ vừa học vừa làm để có thêm kiến thức phục vụ công việc. Cũng trong năm đó, cô được xã cử đi học lớp hành chính công. Với những kiến thức học được, đến nay Hà đã thành lập tổ hợp tác thanh niên trồng lúa xen canh nuôi vịt, nuôi gà với 15 thành viên cùng CLB thanh niên liên thế hệ tự giúp nhau làm ăn và làm từ thiện. “Mình thấy các bạn gặp nhau hay kể chuyện nuôi con này, trồng cây kia nên nảy ra ý tưởng liên kết các bạn lại thành tổ hợp tác cùng chăn nuôi, chia sẻ kinh nghiệm và bám đất, giữ làng”, Hà nói.
Theo Ngọc Hà, hiện nay khi mà an toàn thực phẩm đang trở thành nỗi lo thường trực của người tiêu dùng thì những sản phẩm nuôi trồng tự nhiên lại được thị trường ưa chuộng. Đó cũng là cơ hội cho những người khởi nghiệp từ nghề nông với định hướng làm ra những sản phẩm an toàn. Hiện tại sản phẩm của Ngọc Hà chủ yếu tiêu thụ trong vùng.
Cũng với ý nghĩ đó, hiện Hà đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô đàn vịt đẻ để có thêm sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Về dự định trong thời gian tới, Hà dự kiến mở rộng quy mô trang trại. Với ruộng lúa bạt ngàn hơn 3 ha của gia đình, Hà dự kiến sẽ đầu tư thêm trang trại để thả từ 2.000 – 2.500 con vịt đẻ trứng. “Mong muốn của em là có được hệ thống trang trại bài bản và xây dựng thương hiệu sản phẩm trứng sạch từ vịt thả đồng”, Hà nói.
Khởi nghiệp từ 20 triệu đồng vốn vay ngân hàng ban đầu, đến nay Nguyễn Thị Ngọc Hà đã có trong tay tiền tỉ từ đàn vịt chạy đồng. Ngọc Hà nhắn nhủ với các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp với nghề nông: làm nông nghiệp rủi ro cao mà lợi nhuận lại thấp. Do đó, nếu muốn làm giàu từ nông nghiệp cần kiên trì và phải yêu thích. Bởi, làm nông không thể thu thành quả trong ngày một ngày hai, nên nếu không yêu thích thì rất dễ nản và bỏ cuộc.
Nguyễn Hoàng Tuấn.