KHỞI NGHIỆP TỪ NGHỀ NÔNG

Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào mô hình sản xuất sạch trong nông nghiệp giúp anh Nguyễn Ánh Dương khởi nghiệp thành công và có nguồn thu nhập khá nhờ năng suất, chất lượng và đầu ra ổn định hơn so với các mô hình sản xuất nông nghiệp theo truyền thống.

Trước nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng hướng đến lựa chọn sử dụng rau sản xuất sạch và góp phần đẩy lùi thực phẩm “bẩn”, anh Nguyễn Ánh Dương, ngụ xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ đã tìm tòi học hỏi và áp dụng mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh trong nhà kính. Mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế và mở hướng đi mới cho bà con nông dân nơi đây trong sản xuất cây rau theo hướng sạch, bền vững; góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Sau 1 năm học việc tại doanh nghiệp chuyên về trồng rau rạch trong nhà kính, năm 2016, anh Dương về thuê đất và xây dựng 2 căn nhà kính có tổng diện tích 700m2 với chi phí đầu tư 500 triệu đồng. Rau được anh trồng trong các ống nhựa nối thành một hệ thống giàn, bên trong các ống nhựa có chứa dung dịch thủy canh. Áp dụng kỹ thuật này giúp chủ động trong việc cung cấp nước, chất dinh dưỡng, điều chỉnh ánh sáng nên cây trồng phát triển tốt, tránh được các tác nhân sâu bệnh, côn trùng phá hoại và không cần sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, trồng rau bằng phương pháp này rất tiết kiệm thời gian, không phải làm đất, chờ đất nghỉ. Mỗi năm anh sản xuất được 20 đợt rau cải, 15 đợt xà lách… gấp nhiều lần so với trồng bằng phương pháp thông thường. Trung bình khoảng 20 ngày, gần 100m2  anh thu trên 300kg rau sạch, với giá trung bình khoảng 35.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu lãi trên 10 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, anh Dương lời khoảng 300 triệu đồng.

Kết quả hình ảnh cho mô hình rau thủy canh

Mô hình trồng rau thủy canh

Để mở rộng quy mô sản xuất và tăng thêm thu nhập cho gia đình, anh Dương còn nhận ươm các loại giống rau có nguồn gốc nước ngoài cho các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, trồng đa dạng các loại rau như dưa leo, cà chua… để cung cấp cho các siêu thị và điểm bán rau sạch. Cũng theo anh Dương, thời gian tới anh sẽ vận động bà con trong vùng trồng rau theo phương pháp thủy canh trong nhà kính, khi đủ số lượng người tham gia, anh sẽ thành lập tổ hợp tác cây rau thủy canh trong nhà kính. Từ đó cây rau sạch có thương hiệu, đầu ra ổn định.
Sản xuất rau thủy canh là mô hình mới của huyện Cẩm Mỹ. Mặc dù chi phí đầu tư cao, nhưng với nhiều ưu điểm, rau thủy canh trồng trong nhà kính thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành hướng đi mới cho việc phát triển nông nghiệp sạch và bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay. Nhờ mạnh dạn trong tìm tòi, thử nghiệp và phát triển ản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt đã giúp anh Dương khởi nghiệp thành công trên quê hương mình.

Trần Văn Lưu.