Từ phế phẩm người dân đốt bỏ đi, chàng trai xứ dừa Hoài Nhơn đã biến những mo cau thành những sản phẩm độc đáo, qua đó góp phần giúp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Nguyễn Sơn Tịnh tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Quy Nhơn. Gia đình có xưởng sản xuất xơ dừa, nên anh có cơ hội được gặp và làm việc với các đối tác nước ngoài. Có một lần gặp đối tác người Ấn Độ và tình cờ được xem sản phẩm từ mo cau ở nước họ nên anh đã nảy sinh ý tưởng sản xuất các sản phẩm từ mo cau, tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào ở Bình Định.
Đầu năm 2019, Tịnh quyết định thành lập công ty với mong muốn tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế rác thải nhựa.
“Qua tìm hiểu ở Ấn Độ, người dân đã tận dụng bẹ cây cau sản xuất thành những chiếc bát, đĩa, cốc… độc đáo, phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Từ thực tế đó, tôi quyết định mở công ty để tận dụng nguồn phế phẩm mo cau mà lâu nay người dân quê tôi chỉ đốt bỏ đi”, Tịnh chia sẻ.
Mặt hàng này an toàn cho sức khỏe người sử dụng, có thể tái sử dụng nên giá cả tính ra không cao hơn so với sản phẩm nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, đây là sản phẩm mới, người dân chưa biết đến và chưa có thói quen sử dụng.
Tháng 12/2019, các sản phẩm được làm từ mo cau như khay, chén, đĩa, muỗng,… chính thức có mặt ở các thị trường ở TP Quy Nhơn, Đà Nẵng, TPHCM… Những sản phẩm này bước đầu chào bán thành công ở một số nhà hàng, người mua phản hồi tỏ ra khá hài lòng. Sản phẩm có thể dùng nhiều lần nếu đựng thức ăn khô, thậm chí đựng cả thức ăn nước nhưng sau đó phải rửa sạch, phơi khô. Sản phẩm bán lẻ với giá: muỗng từ 1.300 – 1.500 đồng/cái (gói 20 cái); chén từ 2.500 – 3.000 đồng/cái (gói 10 cái); đĩa nhiều loại có cả hình vuông, tròn, hình chữ nhật giá từ 4.000 – 6.000 đồng/cái (gói 10 cái); khay cơm 7.500 đồng/cái (gói 10 cái)… Hiện bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 800 đến 1.000 sản phẩm.
Bên cạnh việc tìm đầu ra cho sản phẩm, Tịnh cũng tìm giải pháp để có nguồn nguyên liệu ổn định, dồi dào. Tịnh phối hợp với Đoàn Thanh niên các địa phương trồng cau ven đường nông thôn mới. Hiện cơ sở chế biến mo cau của Tịnh không chỉ giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu từ bán phế phẩm mo cau, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 4 – 6 triệu đồng/tháng.
T.G (theo Tiền Phong)