Ông Đỗ Nhật Tâm (ngụ tại xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) là nông dân đi tiên phong tại địa phương đầu tư trồng dưa lưới sạch trong nhà màng. Là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đưa lại hiệu quả kinh tế, phù hợp để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đã từng gắn bó với cây ăn trái hơn 10 năm, thế nhưng năm 2014, anh Đỗ Nhật Tâm lại chọn hướng đi mới khi thay thế 2 sào chôm chôm già cỗi, kém hiệu quả sang trồng dưa lưới trong nhà màng theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Mất 2 năm ròng rã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và thành công chỉ đến với anh 2 năm sau đó khi những lứa dưa đạt sản lượng, chất lượng tốt và được người tiêu dùng chấp nhận.
Ông Tâm kể: “Một lần đi siêu thị, tôi thấy giống dưa lưới dài được bán với giá rất đắt nên nghĩ đến việc đầu tư trồng loại trái cây cho giá trị cao này. Tôi quyết định chặt bỏ bớt diện tích chôm chôm trong vườn nhà để có đất trống làm nhà màng trồng dưa. Tôi đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ xây dựng 2 khu nhà màng rộng 2 ngàn m2 để trồng dưa lưới vì muốn ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất”.
Ông Tâm bỏ công, bỏ của đi Thái Lan, sang tận Israel để tìm hiểu về cách làm nông nghiệp công nghệ cao, an toàn. Theo ông Tâm, kỹ thuật cũng như trang thiết bị trong sản xuất công nghệ cao phải liên tục nâng cấp. Cụ thể, như từ trồng cây trực tiếp trên nền đất chuyển thành trồng trong bầu đất; từ tưới nước, bón phân tự động sang hệ thống tưới nước, bón phân bằng áp lực để đảm bảo việc kiểm soát đúng lượng nước, lượng phân bón phải đều nhau trong cả vườn cây.
Xác định ngay từ đầu là sản xuất sản phẩm sạch, an toàn và truy xuất nguồn gốc để hướng đến xuất khẩu, nên anh Tâm không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật nào. Việc thụ phấn cho dưa cũng được thực hiện bằng việc nuôi ong nên đảm bảo sạch tuyệt đối. Chính vì vậy, thông qua một đối tác, sản phẩm dưa lưới mang thương hiệu Tâm Hương hiện đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và hệ thống siêu thị trái cây sạch ở TP. Hồ Chí Minh…
Là nông dân đi tiên phong đầu tư trồng dưa lưới sạch trong nhà màng, sản phẩm dưa lưới của gia đình anh Tâm được các cửa hàng, siêu thị trái cây an toàn bao tiêu với giá cao hơn hẳn mặt bằng chung ngoài thị trường. Do đó, thu nhập luôn gấp nhiều lần so với những cây trồng khác. Chính chất lượng trái ngon, đạt chuẩn an toàn đã giúp sản phẩm dưa lưới mang thương hiệu Tâm Hương giữ chân khách hàng, vì vậy sản phẩm luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Trung bình một lứa dưa kéo dài 75 ngày trong mùa khô và tối đa 90 ngày trong mùa mưa, một năm có thể trồng từ 3 đến 4 lứa, với sản lượng mỗi lứa hơn 4 tấn, đơn giá 60 ngàn đồng/kg đã đem lại nguồn thu nhập từ 2 sào dưa khoảng 1,2 đến 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Anh Tâm chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp trong nông nghiệp: “Sản xuất các sản phẩm trái cây sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng là yêu cầu tất yếu để phục vụ xuất khẩu, cũng như thị trường trong nước. Nếu nhà vườn tuân thủ đúng các quy trình sản xuất an toàn thì sản phẩm làm ra không quá lo lắng về vấn đề tiêu thụ”.
Nhờ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời lựa chọn những mô hình mới, phù hợp để tổ chức sản xuất làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Ông Tâm là một trong những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi để các startup học hỏi khi khởi nghiệp.
Nguyễn Hoàng Tuấn.